Loigiaihay.com 2024

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Ca dao - Dân ca: Những câu hát về tình cảm gia đình SBT Ngữ Văn 7 tập 1

Bình chọn:
3.7 trên 25 phiếu

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 23 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Ở bài 2, các từ ngữ “chiều chiều” và “chín chiều” có đồng nghĩa không ? Vì sao ? Cảnh trong bài ca này góp phần thể hiện tâm trạng con người như thế nào ?

1. Giải nghĩa các từ ngữ “công cha”, “nghĩa mẹ”, “cù lao chín chữ “ trong bài 1. Sưu tầm những bài ca dao so sánh công cha, nghĩa mẹ với những hình ảnh cao, lớn, sâu, rộng, vô hạn (như núi trời, biển, nước trong nguồn,...). Giải thích vì sao ca dao thường so sánh như vậy.

Trả lời:

 a) Để giải thích nghĩa các từ ngữ “công cha”, “nghĩa mẹ”, “cù lao chín chữ”, em cần đọc kĩ phần Chú thích và Đọc thêm trong SGK.

b) Để sưu tầm những bài ca dao so sánh công cha, nghĩa mẹ với những hình ảnh cao, lớn, sâu, rộng, vô hạn (như núi, trời, biển, nước trong nguồn,..) em có thể hỏi ông bà, cha mẹ, anh chị hoặc tìm đọc một số cuốn sách sau đây :

- Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.

- Nguyễn Xuân Kính (Chủ biên), Kho tàng ca dao người Việt (trọn bộ bốn cuốn), NXB Văn hoá, Hà Nội, 1995.

c) Để giải thích vì sao ca dao thường so sánh như vậy, cần chú ý mấy điểm sau :

- Đây là những hình ảnh chỉ các sự vật, hiện tượng to lớn, mênh mông, vô hạn và vĩnh hằng. Phải dùng những hình ảnh đó mới có thể diễn tả hết công lao, tình nghĩa của cha mẹ đối với con cái. Hơn nửa, núi ngất trời, núi Thái Sơn, biển mênh mông, nước trong nguồn,... là những sự vật, hiện tượng khó có thể đo đếm được, cũng như công lao, tình nghĩa của cha mẹ.

- Văn hoá Việt Nam và Trung Hoa thường so sánh người cha với trời hoặc với núi, người mẹ với đất hoặc với biển. Nói công cha sánh đôi với nghĩa mẹ và việc sử dụng các cặp hình ảnh biểu tượng tương ứng ( trời - đất, núi – biển ) cũng là cách nói, cách diễn đạt truyền thống.

2. Ở bài 2, các từ ngữ “chiều chiều” và “chín chiều” có đồng nghĩa không ? Vì sao ? Cảnh trong bài ca này góp phần thể hiện tâm trạng con người như thế nào ?

Trả lời:

a) Muốn hiểu các từ ngữ “chiều chiều” và “chín chiều” trong bài 2, em phải tìm hiểu nghĩa của các từ này trong văn cảnh. Chú thích (2) của phần Văn bản - SGK, giúp em hiểu nghĩa của “chín chiều”.

b) Để biết được cảnh tượng trong bài 2 miêu tả, góp phần thể hiện tâm trạng nhân vật như thế nào, cần lưu ý mấy điểm sau :

- Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài 2 là tâm trạng của người con gái lấy chồng xa quê. Đó là tâm trạng nhớ thương, buồn âm thầm, sâu lắng, không biết chia sẻ cùng ai. Cảnh tượng trong bài ca đã góp phần thể hiện tâm trạng đó.

- Thời gian là buổi chiều, không phải một mà nhiều buổi chiều như thế. Trong ca dao, thời gian “chiều chiều” thường gợi buồn, gợi nhớ (Em có thể sưu tầm thêm một số bài ca dao khác để thây rõ điều này.). Chiều hôm là thời điểm của sự đoàn tụ, trở về, vậy mà người phụ nữ lấy chồng xa quê vẫn bơ vơ nơi đất khách quê người.

- Ngõ sau là nơi vắng lặng, heo hút, nhất là vào lúc chiều hôm. Không gian ấy gợi nghĩ đến cảnh ngộ cô đơn, số phận người phụ nữ trong gia đình phong kiến gia trưởng và sự che giấu nỗi niềm riêng.

- Quê mẹ gợi hình ảnh quê nhà, cha mẹ, tình mẫu tử (mẹ - con) và những kỉ niệm thiêng liêng, ấm cúng của một thời đã qua.

3. Sưu tầm một số bài ca dao có hình thức so sánh “Bao nhiêu... bấy nhiêu”. Nêu ý nghĩa của hình ảnh so sánh và hình thức so sánh trong bài 3.

Trả lời:

a) Xem gợi ý ở câu 1.b về cách sưu tầm.

b) Ý nghĩa của hình ảnh so sánh và hình thức so sánh trong bài 3 :

- Em cần tra từ điển xem nghĩa của từ “nuộc” và “nuộc lạt”. Hình ảnh so sánh “nuộc lạt mái nhà” gợi sự nối kết bền chặt, không tách rời của sự vật cũng như tình cảm huyết thống và công lao gây dựng ngôi nhà, gây dựng gia đình của ông bà đối với con cháu.

- Hình thức so sánh “Bao nhiêu... bấy nhiêu” là so sánh mức độ, diễn tả nỗi nhớ nhiều, khôn nguôi, sâu lắng.

4. Tình cảm thể hiện trong bài 4 là gì ? Tình cảm đó được diễn tả như thế nào ?

 Trả lời:

a) Bài 4 là tiếng hát về tình cảm anh em thân thương, ruột thịt. Trong quan hệ anh em, khác với “người xa”, có những chữ cùng, chữ chung, chữ một thiêng liêng : “Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân”. Anh em tuy hai nhưng là một : cùng một cha mẹ sinh ra, cùng chung sống, sướng khổ có nhau trong một nhà.

Quan hệ anh em còn được so sánh bằng hình ảnh : “như thể tay chân”. Bài ca đưa những bộ phận cơ thể bằng xương bằng thịt của con người để so sánh, nói về tình nghĩa anh em. Cách so sánh đó càng biểu hiện sự gắn bó thiêng liêng của tình anh em.

b) Bài ca khai thác sự gắn bó nói trên để nhắc nhở : anh em phải hoà thuận để cha mẹ vui lòng, phải biết nương tựa lẫn nhau “Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Hai chữ anh em gắn với những chữ : hòa thuận, đùm bọc, đỡ đần.

Sachbaitap.com

Bài tiếp theo

Xem lời giải SGK - Soạn văn 7 - Xem ngay

>> Học trực tuyến lớp 7 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp học sinh lớp 7 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Bài viết liên quan