Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Giải Bài tập viết trang 9 Sách bài tập Ngữ văn 6 tập 2 - Cánh diều

Hãy kể về một lần em mắc lỗi. Hãy kể lại một sự việc mà em chứng kiến và nhớ mãi.

Câu 1 trang 9, SBT Ngữ văn 6 tập 2 - Cánh diều

Câu hỏi:

Hãy kể về một lần em mắc lỗi.

Lời giải:

Bài tập này giúp các em biết cách viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ. Trải nghiệm được hiểu là trực tiếp trải qua một sự việc, sự kiện, hoạt động, tình huống... qua đó rút ra được những kinh nghiệm hoặc bài học bổ ích. Ở bài viết này, các em sử dụng ngôi kể thứ nhất để kể lại trải nghiệm về một lần mắc lỗi của chính mình. Khi người kể là một nhân vật tham gia vào câu chuyện, xưng “tôi” và kể lại theo điểm nhìn của mình thì đó là kể theo ngôi thứ nhất.

Để viết bài văn này, các em cần chú ý tham khảo ngữ liệu phần đọc hiểu (văn bản Bài học đường đời đầu tiên) và những trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người; cần kể một cách tự nhiên, chân thực lỗi lầm mình đã mắc, những tình cảm, cảm xúc đã có, những bài học đã thu nhận; tránh sáo rỗng, bịa đặt, thiếu trung thực; tránh sao chép của người khác.

Các em có thể thực hiện theo các bước sau:

a) Bước 1: Nhớ lại những lỗi mà em đã từng mắc.

b) Bước 2: Chọn ra một lỗi mà em thấy thấm thía, để lại cho em những ấn tượng. bài học khó quên.

c) Bước 3: Lập dàn ý cho bài viết.

– Mở bài: Dẫn dắt và nêu lỗi mà em đã mắc.

– Thân bài:

+ Kể về lỗi (diễn ra trong hoàn cảnh (không gian, thời gian) nào, gắn liền với những sự việc, con người nào,...).

+ Cảm xúc, thái độ của em lúc đó.

+ Nêu lí do vì sao em nhớ mãi lỗi đó,

- Kết bài: Nêu bài học hoặc kinh nghiệm mà bản thân 

d) Viết bài văn dựa vào dàn ý đã lập.

e) Chỉnh sửa, hoàn thiện bài văn.

Bài viết tham khảo 1:

   Việc xảy ra đã lâu lắm rồi vậy mà em còn nhớ mãi.

   Năm ngoái, nhà trường tổ chức đi tham quan Bến Nhà Rồng và Thảo Cầm Viên. Mỗi học sinh phải đóng góp hai ngàn đồng cho chuyến tham quan ấy. Nghe chuyện, mẹ không ngần ngại đưa cho em tiền để sáng vào đóng cho lớp trưởng.

   Tối hôm đó, tiếng loa vang lên từ đám đất trống gần nhà làm em bồn chồn. Người ta đang tổ chức hội cho với nhiều trò chơi vui. Tiếng ca, tiếng nhạc cứ mãi thúc giục, em vào xin phép ba mẹ, định bụng sẽ đến chơi một lát rồi về. Đến nơi, quả thật là vui, ở đây có đủ các trò chơi từ nhảy vòng, chọi lon đến trò xổ số lô tô. Hấp dẫn nhất là trò quay vòng số. Một vòng quay mười hai con số thi nhau chớp tắt. Dễ trúng quá. Trò chơi này quyến rũ khiến em mua một con số hai trăm đồng. Trật rồi! Em ngần ngừ và mua con số khác. Lại trật nữa! Em mua số đến hết nhẫn hai ngàn đồng mẹ vừa cho.

   Thấy em về với vẻ mặt buồn thiu mẹ hỏi: “Có việc gì vậy con?”. Trên đường về em rắp tâm nói dối nên em giả đò mếu máo khóc: “Con đánh rơi mất hai ngàn đồng rồi. Thôi vậy con không đi tham quan nữa đâu”. Mẹ ngần ngừ một lúc rồi móc túi lấy ra những tờ bạc nhàu nát và nói: “Lâu lâu mới có dịp đi xa, con lấy số tiền này mai đóng góp cho nhà trường”.

   Tối hôm đó, ngồi học bài, em thấp thỏm chờ mẹ về. Thường vào giờ này mẹ đã về. Chắc bữa nay bán ế nên mẹ về trễ. Hôm ấy, mãi đến hơn mười giờ đêm mẹ mới về. Gánh chè còn lưng lưng phân nửa. Nhìn vẻ mặt buồn buồn của mẹ, em không sao cầm được nước mắt. Lòng dấy lên một nỗi ân hận, em chạy đến ôm chầm lấy mẹ và nức nở kể hết sự thật. Nghe xong, mẹ vuốt đầu em nói: “Con biết hối lỗi như vậy là tốt rồi. Mẹ còn xoay sở được. Con cứ giữ lấy tiền này cho mẹ vui”.

  Từ đó, mỗi lần nghe loa hội chợ là mỗi lần lòng em lại dấy lên niềm ân hận. Em hứa từ nay không làm mẹ buồn và không giấu bất cứ điều gì.

Bài viết tham khảo 2: 

   Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ gầy, ngồi bên cửa sổ, đôi mắt buồn như nhìn vô định vào chốn xa xôi. Đó là khi mẹ buồn vì tôi mắc lỗi.

   Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình hạnh phúc. Bố tôi là bộ đội nên thường xuyên vắng nhà. Thế là mẹ tôi vừa là mẹ vừa là cha vừa là bạn của tôi. Mẹ chăm sóc chu đáo và dành tình yêu thương nhiều gấp bội những người mẹ bình thường như để bù đắp cho tôi sự thiếu thốn tình cảm của cha. Bố vắng nhà nên mẹ nuôi dạy tôi rất vất vả, vừa phải lo việc nhà mẹ còn lo công việc ở trường học. Mẹ tôi là cô giáo dạy văn. Mẹ lúc nào cũng mong tôi lên người, vững vàng ngay thẳng như cha. Vì thế, trước những lời nói dối của tôi, lòng mẹ đau đớn lắm, dường như bao hi vọng tin tưởng ở tôi bị tan vỡ...

   Lần đó đi chợ cùng mẹ, tôi rất thích con búp bê bằng vải. Nó đẹp lắm nên giá hơi mắc. Tôi nghĩ với điều kiện của gia đình mình hiện nay chắc mẹ sẽ không đồng ý mua cho. Tôi buồn bã ra về mà không dám hỏi mẹ. Về nhà, tưởng rằng tôi sẽ quên ngay nhưng hình ảnh con búp bê xinh xắn, đáng yêu ấy cứ chờn vờn trong suy nghĩ của tôi. Tôi còn nằm mơ thấy nó ở bên tôi, nằm cạnh tôi khi ngủ nhưng lúc tỉnh dậy, tôi lại hoàn toàn thất vọng. Thế là tôi nghĩ cách để có được con búp bê ấy. Tôi có một con lợn đất đựng tiền tiết kiệm. Mỗi dịp Tết được tiền mừng tuổi hay được điểm mười mẹ thưởng, tôi đều gửi vào “ngân hàng” lợn đất. Đã được hơn một năm chắc chú lợn cũng mập mạp. Nghĩ vậy, tôi tìm cách lấy tiền từ trong đó ra, từng chút từng chút một để mẹ không nghi ngờ. Đến một ngày, tôi đã đủ số tiền để có thể mua em búp bê về. Tôi vui lắm, chạy ngay đến cửa hàng và hân hoan đón lấy em búp bê từ tay cô chủ. Em búp bê đã thật sự là bạn của tôi. Giấc mơ ngày nào đã thành hiện thực. Nhưng vì sợ mẹ biết nên tôi giấu em vào tủ quần áo, thỉnh thoảng mẹ vắng nhà tôi mới đem ra chơi.

   Một hôm, đi học về tôi giật mình hoảng hốt khi thấy tủ quần áo bị lục tung. Thì ra mẹ dọn đồ để chuẩn bị cho mùa đông sắp đến. Nhìn mãi tôi không thấy em búp bê đâu cả, hay mẹ đã phát hiện ra và tức giận ném đi rồi. Nghĩ vậy nên nước mắt tôi cứ chực trào ra. Đang loay hoay đi tìm thì thấy mẹ từ dưới nhà lên cầm trong tay con búp bê. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng ngay lập tức, cảm giác lo sợ lại xâm chiếm tôi. Mẹ đã biết em búp bê, tôi phải làm thế nào đây. Tôi lại phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi sắp tới của mẹ. Quả như thế, mẹ hỏi tôi về em búp bê. Tôi nói đó là đồ chơi của bạn cùng lớp mà tôi mượn. Mẹ không hỏi thêm gì nữa. Nhưng trên đời này không có gì là bí mật cả. Hôm sau, mẹ hỏi tôi về con lợn đất. Mẹ định lấy tiền ở trong đó ra mua cho tôi một cái áo rét mới vì áo của tôi đã cũ quá rồi. Giật mình lo sợ, tôi vội vàng ngăn mẹ, nói rằng không cần áo mới. Mẹ ngạc nhiên nhìn tôi bởi mới hôm nào tôi còn nằng nặc đòi mua áo. Trước sự khẩn khoản của tôi, mẹ đồng ý không lấy tiền nữa. Nhưng cũng sau hôm đó, tôi thấy mẹ buồn buồn. Có những lúc mẹ thở dài ảo não. Lúc đó, nhìn mẹ già và thật đáng thương. Có đêm ngủ, tôi chợt tỉnh giấc đưa tay tìm mẹ mà không thấy. Giật mình tôi nhìn bóng mẹ in trên tường. Cái bóng xiêu vẹo, đổ nghiêng như cuộc đời vất vả của mẹ. Rồi tôi thấy người mẹ nhẹ run lên, mẹ khóc. Mẹ vừa khóc vừa nói một mình. Tôi cố lắng tai nghe... “Mình ơi, tôi thật có lỗi khi nuôi con không tốt. Nó đã nói dối tôi mình ạ”.... Trời ơi. Mẹ của con. Mẹ đã biết con nói dối từ bao giờ mà vẫn lặng thinh thế. Mẹ đã chịu đựng câm nín một mình ư. Lẽ ra mẹ cứ mắng con, cứ đánh con chứ. Sao mẹ lại khóc một mình thế... Nỗi đau đớn của mẹ cũng làm tan nát cõi lòng con. Chỉ vì con mà mẹ khổ. Đêm hôm đó tôi đã thức cùng mẹ đến sáng.

Câu 2 trang 9, SBT Ngữ văn 6 tập 2 - Cánh diều

Câu hỏi:

Hãy kể lại một sự việc mà em chứng kiến và nhớ mãi.

Lời giải:

Hãy kể lại một sự việc mà em đã chứng kiến và nhớ mãi. Cách làm tương tự như bài tập 1.

Có thể viết bài văn theo dàn ý sau:

– Mở bài: Dẫn dắt và nêu sự việc mà em đã chứng kiến và nhớ mãi (Ví dụ: một số người nước ngoài xuống các dòng kênh, mương bẩn vớt rác và nạo vét bùn; nhiều người dân chen lấn, xô đẩy tranh nhau mua khẩu trang).

– Thân bài:

+ Kể lại sự việc (Ví dụ: diễn ra ở đâu, lúc nào, những ai tham gia, có những hành động nào, diễn biến của những hành động ấy, kết quả ra sao,...).

+ Suy nghĩ, thái độ của em lúc đó.

+ Nêu lí do vì sao em nhớ mãi sự việc đó.

– Kết bài: Nêu bài học hoặc kinh nghiệm mà bản thân đã rút ra được.

Bài tham khảo 1:

   Thường ngày, chúng ta có những việc làm tốt và những việc làm xấu. Có một chuyện, em đã làm và thấy việc ấy thật ý nghĩa trong công cuộc bảo vệ môi trường của người học sinh.

   Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng nọ, khi hừng đông vừa ửng hồng và những giọt sương còn đọng lại trên bãi cỏ xanh mướt. Ấy là lúc em đi đến trường, vừa đi, em vừa thơ thẩn ngắm cảnh bình minh đẹp mê hồn. Bỗng, cái gì thế này? Một người đàn ông đang vứt một cái bao lớn mà em thấy lấp ló đầu của một con heo chết. Em nhìn anh ấy mà trong người bực bội vô cùng. Vội chạy đến, kêu lên:

- Anh gì ơi?

Người đàn ông nghe em gọi, liền tắt máy chiếc xe Honda của mình, hỏi:

- Gì thế nhóc?

Em đáp:

- Anh ơi, anh không thể vứt xác chết động vật bừa bãi như thế, sẽ gây ô nhiễm môi trường đấy! Ấy là chưa kể khi nắng lên, cái thứ này sẽ bốc mùi kinh khủng. Đoạn đường này lắm người qua lại, nhiều nhất là chúng em đi học về. Vì vậy nên anh phải lấy cái bao này đi ngay.

Em vừa dứt lời, người ấy liền quay lại, mắng như tát nước vào mặt:

- Đồ thứ con nít mà đòi dạy đời. Sao mày láo thế? Để yên cho tao làm việc, không thì liệu hồn con ạ!

Nói rồi, anh ta rồ ga, định phóng đi. Quyết không để hắn đi khi xác con heo còn nằm đấy. Em vội chặn đầu anh ta lại, nói:

- Nếu anh mà không lấy cái thứ thối tha đó đem đi thì em sẽ kêu mọi người tới đấy, anh nên biết đây là một việc làm không tốt đẹp mấy, nếu như mọi người mà biết thì không để yên cho anh đâu. Anh hãy đem con heo này chôn vào một cái hố nào đấy hay là bất cứ thứ gì cũng được, miễn sao đừng làm ô nhiễm môi trường và làm phiền những người xung quanh là tốt rồi. Mời anh chở cái bao này đi cho, em xin cảm ơn. Vừa nói, em vừa chạy ra đường, làm điệu bộ như nếu cần, ta sẵn sàng kêu cả làng ra xem. Người đàn ông nhìn em, đôi mắt nảy lửa, bước xuống xe đi về phía em. Nhưng anh ta không hề đánh em mà chỉ lầm bầm chửi rủa rồi vác cái bao đặt lên xe, phóng vù đi.

   Em nhìn chiếc xe Honda lao vút đi và tiếng động cơ ngày một nhỏ dần rồi mất hẳn mà trong lòng vui vẻ lạ thường như vừa trút được một cái gì đấy nặng cả vai. Và em cũng rất vui vì mình đã làm đúng lời cô giáo dạy: “Phải yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên, luôn luôn có ý thức bảo vệ môi trường như bảo vệ từng mạch máu trong cơ thể”.

Bài tham khảo 2:

Hôm qua, em đã làm được một việc thầy hiệu trưởng rất hài lòng.

Vào giờ chơi, em và bạn Minh cặp kè nhau đi dạo trước hành lang các lớp. Chợt, chúng em thấy bốn năm em nhỏ lớp một đang tụm lại làm gì đó chẳng biết. Nhìn ra thì hai em đang chăm chú vẽ hình bông hoa lên tường phòng học. Các em đứng ngoài cũng phụ hoạ theo. Em lấy phấn xanh, em lấy phấn vàng tô thêm vào ra chiều thích thú lắm.

Thấy các em vui vẻ như thế, em cũng hơi đắn đo, nhưng rồi, em phải đến vỗ vai một đứa mà nói rằng:

- Tại sao các em vẽ lên tường? Làm dơ tường hết.

Bạn Minh khuyên:

- Mấy em bôi đi, kẻo chút nữa cô rầy đấy!

Các em nghe vậy, lật đật lấy bông phấn lau túi bụi mà có sạch đâu. Em mới lấy giẻ nhúng nước lau phụ.

Đang lúc ấy thì thầy hiệu trưởng đủng đỉnh đi lại. Nghe em kể hết sự việc, thầy nói: “Các con thật xứng đáng là đàn anh của mấy em nhỏ”.

Được khen, hai đứa em nhìn nhau mà lòng lâng lâng sung sướng.

Sachbaitap.com