Soạn bài Đại cáo bình Ngô (Tiếp theo) SBT Ngữ văn 10 tập 2Giải câu 1, 2, 3 trang 15 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Chức năng cơ bản của thể cáo là tuyên ngôn và tổng kết đã được thể hiện như thế nào trong Đại cáo bình Ngô ? Phần hai: TÁC PHẨM BÀI TẬP 1. Chức năng cơ bản của thể cáo là tuyên ngôn và tổng kết đã được thể hiện như thế nào trong Đại cáo bình Ngô ? Trả lời: Cáo là thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương hay công bố kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết. Trong thể cáo, có loại văn cáo thường ngày như chiếu, sách của vua truyền xuống về một vấn đề nào đó, có loại văn đại cáo mang ý nghĩa một sự kiện trọng đại, có tính chất quốc gia. Nếu mục đích, chức năng của hịch là cổ động, thuyết phục, kêu gọi đấu tranh hoặc hiểu dụ, răn dạy thì mục đích của cáo là tuyên ngôn hoặc tổng kết một vấn đề, một sự kiện. a) "Đại cáo bình Ngô" là bản tuyên ngôn về nhân nghĩa, tuyên ngôn về độc lập dân tộc - Khi tuyên ngôn về nhân nghĩa, tác giả cho thấy nhân nghĩa là một nguyên lí có tính chất chung của các dân tộc, của nhiều thời đại: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Nguyễn Trãi đã biết chắt lọc lấy cái hạt nhân cơ bản, tích cực nhất của nhân nghĩa. "Nhân nghĩa" là "yên dân trừ bạo", tức là tiêu trừ tham tàn bạo ngược, bảo vệ cuộc sống yên vui, thái bình của người dân. Điều đáng nói hơn nữa là khi tuyên ngôn về nhân nghĩa, Nguyễn Trãi không những đã chắt lọc lấy cái hạt nhân cơ bản, tích cực của tư tưởng nhân nghĩa Nho giáo mà còn đem đến một nội dung mới, lấy ra từ thực tiễn dân tộc: nhân nghĩa là phải gắn liền với chống xâm lược. Đặt trong hoàn cảnh Nguyễn Trãi viết Đại cáo bình Ngô thì người dân mà tác giả nói tới là người dân Đại Việt đang bị xâm lược, còn kẻ bạo tàn chính là giặc Minh cướp nước. Nhân nghĩa là chống xâm lược, chống xâm lược là nhân nghĩa. - Sau khi tuyên ngôn về nhân nghĩa, tác giả tuyên ngôn về nền độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt. Nguyễn Trãi đã đưa ra những yếu tố căn bản để xác định độc lập, chủ quyền của dân tộc ta : Văn hiến (vốn xưng nền văn hiến đã lâu), cương vực lãnh thổ (Núi sông bờ cõi đã chia), phong tục tập quán (Phong tục Bắc Nam cũng khác), và thêm nữa là lịch sử riêng, chế độ riêng (Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập - Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương). - Khi tuyên ngôn về độc lập dân tộc, để tăng thêm sức thuyết phục cho việc khẳng định sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của Đại Việt, Nguyễn Trãi đã dùng biện pháp so sánh : so sánh ta với Trung Quốc, đặt ta ngang hàng với Trung Quốc, ngang hàng về trình độ chính trị, tố chức chế độ, quản lí quốc gia (Triệu, Đinh, Lí, Trần ngang hàng với Hán, Đường, Tống, Nguyên). Qua đây, ta có thể thấy được lòng tự hào dân tộc sâu sắc của tác giả. Như vậy, trong phần mở đầu Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã tuyên ngôn về nhân nghĩa, tuyên ngôn về độc lập dân tộc. Hai nội dung này liên quan hữu cơ với nhau. Dân tộc ta chống xâm lược là nhân nghĩa và ngược lại nhân nghĩa thì phải chống xâm lược. Nhân nghĩa và độc lập dân tộc đều làm nên sức mạnh của chân lí khách quan. Kẻ xâm lược đi ngược lại chân lí, tất yếu sẽ chuốc lấy bại vong : Lưu Cung thất bại, Triệu Tiết tiêu vong, Toa Đô, Ô Mã, kẻ bị giết, người bị bắt. Tác giả lấy "chứng cớ còn ghi" để chứng minh cho sức mạnh của chân lí đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc. b) "Đại cáo bình Ngô" là bản tổng kết hào hùng về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa được tái hiện, được khắc hoạ tập trung vào hình tượng người anh hùng Lê Lợi, với sự kết hợp giữa bút pháp trữ tình và tự sự. Tái hiện cả giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa nhưng chỉ tập trung vào một con người, một hình tượng tiêu biểu, tác giả vừa nói lên được những khó khăn gian khổ, vừa khắc hoạ được ý chí quyết tâm của nghĩa quân Lam Sơn và cũng là ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc. - Giai đoạn hai của cuộc khởi nghĩa được tái hiện bằng bức tranh toàn cảnh đậm chất sử thi, với sự kết hợp giữa bút pháp tự sự và bút pháp trữ tình. Biện pháp nghệ thuật này đã làm nổi bật lên khí thế hào hùng và sức mạnh vô song của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, của nhân dân Đại Việt. - Bài học lịch sử được tổng kết, được rút ra từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là : có hiện thực hôm nay và tương lai ngày mai là bởi có sức mạnh hun đúc từ truyền thống: "Âu cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy", sức mạnh từ chiến công trong quá khứ : "Một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm". Hai câu kết của Đại cáo bình Ngô nhắc mọi người càng tự hào về quá khứ càng biết yêu hơn hiện tại và vui mừng hướng tới tương lai. Hai câu kết vừa khép lại một thời kì chiến đấu oanh liệt vừa mở ra một kỉ nguyên mới huy hoàng : xây dựng đất nước đẹp tươi và bền vững. 2. Phân tích ý thức dân tộc và tư tưởng thân dân trong Đại cáo bình Ngô. Trả lời: Đề này yêu cầu phân tích hai ý: ý thức dân tộc và tư tưởng thân dân. a) Về ý thức dân tộc, nên phân tích rõ : Với Đại cáo bình Ngô, ý thức dân tộc đã có bước phát triển mới, được quan niệm toàn diện hơn: không phải chỉ có lãnh thổ và chủ quyền như ở Nam quốc sơn hà mà còn có các yếu tố văn hiến (vốn xưng nền văn hiến đã lâu), phong tục tập quán (Phong tục Bắc Nam cũng khác), lịch sử (Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập). b) Về tư tưởng thân dân, cần phân tích : - Lòng thương dân : Tập trung phân tích những hình ảnh đau thương của người dân vô tội: Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. [...] - Vai trò, sức mạnh của dân: Phân tích rõ sự gắn bó và đóng góp của dân trong sự nghiệp "dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới", đặc biệt là vai trò của tầng lớp "manh" - người dân cày lưu tán và "lệ" - người tôi tớ đi ở. 3. Anh (chị) hãy phân tích để làm sáng tỏ Đại cáo bình Ngô là áng văn chính luận có sự kết hợp hài hoà giữa tư duy lôgic và tư duy hình tượng. Trả lời: Đại cáo bình Ngô là áng văn chính luận, có sự kết hợp hài hoà giữa tư duy lôgic và tư duy hình tượng. - Tư duy lôgic thể hiện qua hệ thống luận điểm, trình tự lập luận chặt chẽ : + Mở đầu, tác giả nêu lên tiền đề có tính chất nguyên lí, chân lí làm chỗ dựa về mặt lí luận và để triển khai lập luận trong những phần sau. + Tiếp đến, tác giả soi tiền đề vào thực tế, chỉ ra tội ác của giặc Minh để lên án, tố cáo, đồng thời nêu rõ sự nghiệp chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn để khẳng định, ca ngợi. + Phần cuối, tác giả rút ra kết luận dựa trên cơ sở tiền đề và thực tiễn. - Tư duy hình tượng thể hiện qua việc Nguyễn Trãi thường diễn đạt những cảm xúc, suy tư bằng hình tượng nghệ thuật. + Để tố cáo tội ác giặc Minh và nói lên tình cảnh thê thảm của người dân vô tội, tác giả dùng hình ảnh : Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. + Nguyễn Trãi kết thúc bản cáo trạng tội ác giặc Minh bằng câu văn đầy hình tượng: Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội, Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi. + Khi miêu tả khí thế, sức mạnh chiến thắng của ta, tác giả sử dụng nhiều hình tượng phong phú, đa dạng, đo bằng sự lớn rộng, kì vĩ của thiên nhiên : "sấm vang chớp giật", "trúc chẻ tro bay", "sạch không kình ngạc", "tan tác chim muông", "trút sạch lá khô", "phá toang đê vỡ", "đá núi cũng mòn", "nước sông phải cạn". + Thất bại của địch cũng được diễn tả bằng hình tượng : "máu trôi đỏ nước", "máu chảy trôi chày", "thây chất đầy đường", "thây chất thành núi". + Bằng hình tượng, tác giả gợi tả khung cảnh chiến trường : "sắc phong vân phải đổi", "ánh nhật nguyệt phải mờ". Những hình tượng nghệ thuật làm cho câu văn thêm sức mạnh truyền cảm, tác động cả vào nhận thức, cả vào tình cảm của người đọc. Sachbaitap.com
Xem lời giải SGK - Soạn văn 10 - Xem ngay >> Học trực tuyến Lớp 10 cùng thầy cô giáo giỏi tại Tuyensinh247.com, Cam kết giúp học sinh học tốt, bứt phá điểm 9,10 chỉ sau 3 tháng, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Xem thêm tại đây:
Soạn bài Đại cáo bình Ngô (Tiếp theo)
|
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 19 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Trong những câu văn thuyết minh nêu dưới đây, câu nào chuẩn xác, câu nào chưa chuẩn xác ? Vì sao ?