Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Ôn tập phần Làm văn SBT Ngữ Văn 12 tập 2

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 trang 89 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2

1. Ôn lại những yêu cầu cơ bản khi viết các dạng bài nghị luận.

Trả lời: 

Để làm được bài tập này, cần xem lại phần Ghi nhớ ở các bài học về các kiểu bài nghị luận. Chương trình và SGK Ngữ văn lớp 12 có các dạng bài nghị luận sau :

(1)  Nghị luận văn học : nghị luận về một ý kiến bàn về văn học ; nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ ; nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.

(2) Nghị luận xã hội : nghị luận về một tư tưởng, đạo lí ; nghị luận về một hiện tượng đời sống.

Viết dạng bài nào chúng ta cũng phải tiến hành các bước :

- Tìm hiểu đề, xác định yêu cầu của bài viết.

- Lập dàn ý cho bài viết (tìm ý và chọn ý).

- Viết bài văn theo dàn ý đã lập.

- Đọc lại và sửa chửa, bổ sung (nếu cần thiết).

Trong quá trình làm bài, cần chú ý sử dụng kết hợp các thao tác lập luận và các phương thức biểu đạt, chú ý đáp ứng các yêu cầu diễn đạt trong văn nghị luận. Tuy nhiên, với từng dạng bài, cần có những lưu ý riêng.

a) Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí : Đề bài thường nêu một danh ngôn để người viết bày tỏ suy nghĩ của mình. Người viết phải căn cứ vào nội dung cụ thể của danh ngôn mà giải thích, phân tích, bình luận và làm sáng tỏ vấn đề đặt ra. Các bài học được rút ra cần chân thành, tránh hô hào, gượng ép.

b) Nghị luận về một hiện tượng đời sống : Đề bài nêu ra một hiện tượng đời sống (có thể là hiện tượng tích cực hoặc cũng có thể là hiện tượng tiêu cực). Đối với hiện tượng tiêu cực thì phân tích, phê phán, tìm ra nguyên nhân và tác hại để tránh. Dù thế nào thì người viết cũng cần phải nhìn nhận, phân tích một cách toàn diện, tránh cực đoan, một chiều, cần “nói có sách, mách có chứng”, có cái nhìn nhân hậu, bao dung.

c) Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học : cần xác định ý kiến đó thuộc nội dung lí luận văn học hay văn học sử... Sau đó căn cứ vào nội dung câu chữ của ý kiến mà giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận để làm sáng tỏ.

d) Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ : cần chú ý hoàn cảnh ra đời, tác giả, vị trí của đoạn trích. Quan trọng hơn cả là cần bám sát câu chữ, các yếu tố như hình ảnh, giọng điệu, tứ thơ để phân tích, chỉ ra tác dụng và vai trò của chúng trong việc làm nổi bật nội dung tư tưởng, cảm xúc của nhà thơ. Ngoài ra, cần nói được đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bài thơ và đóng góp của bài thơ đó vào sự phát triển chung của nền thơ.

e) Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi : Cũng tương tự như nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ, người viết cần tìm hiểu hoàn cảnh ra đời, tác giả và vị trí của đoạn trích, cần bám vào kết cấu, cốt truyện, các nhân vật để phân tích, nêu rõ giá trị nghệ thuật của truyện (tình huống truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, kết cấu, đặc sắc về ngôn từ,...) và cũng giống như với bài thơ, cần bàn về đặc sắc của tác phẩm hay đoạn trích và những đóng góp của nó cho sự phát triển chung của văn xuôi...

2. Hãy nêu tác dụng, cách thức kết hợp các thao tác lập luận và phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận.

Trả lời:

Xem lại các bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận và Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận.

Khi ôn lại nội dung này, có thể suy nghĩ theo một số gợi ý sau :

- Sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận.

+ Mỗi kiểu văn bản có một phương thức biểu đạt chính nhưng bên cạnh đó còn sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt khác.

+ Văn bản nghị luận chủ yếu sử dụng phương thức lập luận nhưng còn sử dụng các phương thức khác như tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh.

+ Việc sử dụng các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh trong bài nghị luận phải phục vụ cho mục đích lập luận, góp phần làm sáng tỏ các luận điểm trong bài viết.

+ Biết sử dụng hợp lí và khéo léo các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh góp phần làm cho bài văn nghị luận trở nên đặc sắc, có sức thuyết phục và hấp dẫn.

- Sử dụng kết hợp các thao tác lập luận trong bài văn nghị luận.

+ Không có bài văn nghị luận nào chỉ sử dụng một thao tác lập luận. Các thao tác lập luận thường đan xen vào nhau, bổ sung cho nhau. Ví dụ, muốn bác bỏ một ý kiến nào đó cần phải giải thích, tìm ra bản chất, phân tích ra từng bộ phận rồi lần lượt bác bỏ. Để người đọc tin vào nội dung bác bỏ, người lập luận phải biết . chứng minh tính đúng đắn của các luận cứ được đưa ra...

+ Việc sử dụng kết hợp các thao tác lập luận tuỳ thuộc vào mục đích và nội dung lập luận.

3. Phân tích sự kết hợp các thao tác lập luận trong các tác phẩm : Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh) và Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng).

Trả lời:

Xem lại hai văn bản và bài giảng. Chú ý phân tích để làm nổi bật sự kết hợp giữa các thao tác lập luận trong từng văn bản. Sau đây là một số gợi ý.

Các thao tác lập luận được sử dụng kết hợp trong văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh :

- Chứng minh : quyền được hưởng tự do, độc lập của Việt Nam, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam.

- Phân tích : phân tích tội ác nhiều mặt của thực dân Pháp đối với nhân dân ta.

- Bác bỏ : bác bỏ cái gọi là “văn minh”, "khai hoá" của thực dân Pháp, dã tâm xâm lược nước ta của bọn thực dân.

- Bình luận : ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp với quyền được hưởng tự do, độc lập của các dân tộc ; lời khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.

4. Theo anh (chị), các đoạn mở bài sau đây đã gợi mở những chủ điểm nào cho phần thân bài ?

a) Thành công bao giờ cũng là một điều vẻ vang được mọi người hâm mộ. Nhưng có mấy ai biết đằng sau những thành công có bao nhiêu vấp ngã, trả giá, chế giễu và đả kích. Những người chỉ biết hâm mộ thành công mà không biết những cuộc vật lộn để đi đến thành công khi gặp trở ngại liền nhanh chóng suy sụp, ca thán về cuộc đời bất hạnh, dễ dàng nản chí.

b) Thế mà đã hơn một thập kỉ trôi qua, kể từ ngày Xuân Diệu rời mặt đất thân yêu này về miền cực lạc. Chẳng biết dưới thẳm sâu của lòng đất mẹ, Xuân Diệu có được quây quần giữa chốn người xưa ? Không được thế chắc lòng ông lạnh lắm. Bởi sinh thời ông luôn luôn sợ sự cô độc, đơn côi. Và ông đã dùng thơ để chống lại nỗi sợ hãi này. Đúng như Thế Lữ đã từng giải thích : “Sở dĩ Xuân Diệu tham lam tình yêu, chất chứa vào lòng không chán, không đủ, không nguôi là bởi vì thi sĩ rất sợ cô độc” (Lời tựa cho tập Thơ thơ). Đó cũng chính là cội nguồn “niềm khát khao giao cảm với đời” của toàn bộ hồn thơ Xuân Diệu.

c) Ai đã từng nói rằng hoa hồng ở lại giữa cuộc đời nhờ hương thơm say đắm, không nồng nàn như hoa cúc hay ngọt ngào như ngọc lan ; loài chim sơn tước ở lại giữa đời bởi tiếng hót thiết tha vút lên giữa dàn đồng ca rừng núi. Câu chuyện ấy gợi nhắc trong lòng người đọc nỗi băn khoăn : Có phải điều còn lại với mỗi nhà văn chính là cái giọng điệu riêng của mình ?

Trả lời:

Mở bài có nhiệm vụ tạo hứng thú, giới thiệu vấn đề và định hướng nội dung nghị luận. Bởi vậy, qua phần mở bài, người đọc có thể dự đoán được các nội dung sẽ được triển khai ở phần thân bài.

a) Vấn đề thành công và thất bại. Thái độ đúng đắn trước thất bại là chấp nhận thất bại để rút ra bài học kinh nghiệm cho thành công.

b) Nỗi sợ cô độc chính là cội nguồn của sự khát khao tình yêu trong thơ Xuân Diệu.

c) Điều còn lại tạo nên giá trị của mỗi nhà văn chính là giọng điệu riêng của nhà văn đó.

5. Đọc các đoạn kết bài sau và cho biết bài văn bàn về vấn đề gì và cách kết bài theo kiểu nào ?

a) Cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp nhận và xử lí thông tin một cách kịp thời, chính xác để không còn bị lừa mị bởi những tin đồn thất thiệt. Cũng cần có thái độ và xử lí kiên quyết những phần tử đầu cơ, tung tin thất thiệt, bởi chẳng ai dám chắc là sẽ không còn tin đồn nhảm nữa.

b) Tự ti hay tự phụ đều không lợi cho sự trưởng thành của mỗi con người. Ngày nắng đẹp cũng có thể rơi xuống vài giọt mưa, bãi cỏ đẹp vẫn có thể có những cây gai xen lẫn. Khi được khen vẫn biết mình còn nhiều khiếm khuyết, khi bị chê vẫn tự hiểu mình có chỗ mạnh riêng. Biết được chỗ mạnh, chỗ yếu của mình để phát huy và khắc phục mới đảm bảo cho mình những thành công trong tương lai.

c) Nhưng tác giả Người lái đò Sông Đà cũng không phải là con người duy mĩ. Ta trọng sự tinh tế của ông trong cảm xúc về cái đẹp. Nhưng qua thiên tuỳ bút, ta hiểu rằng cái còn đáng trọng hơn nữa ở ông vẫn là tình yêu thiết tha với thiên nhiên đất nước, là sự tôn kính công sức lao động của con người.

Trả lời:

Cần nắm được mối quan hệ giữa phần kết bài với toàn bài, các kiểu kết bài thường gặp để làm bài tập này. Sau đây là một số gợi ý.

Kết bài phải phù họp với mở bài và thân bài. Chính nhờ mối quan hệ này và nội dung của từng kết bài mà người đọc có thể biết được vấn đề được nghị luận trong bài viết.

a) Bài văn bàn về vấn đề chống luận điệu tuyên truyền giả dối của địch. Kết bài theo lối mở rộng.

b) Bài văn bàn về thái độ tự ti và tự phụ. Kết bài theo lối không mở rộng.

c) Bài văn bàn về cái đẹp trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân. Kết bài theo lối mở rộng.

6Phân tích thành công về nghệ thuật diễn đạt trong các đoạn văn nghị luận sau:

a) Mở đầu (Văn chiêu hồn) là một cái nhìn rất bi thiết về cuộc đời. Một cõi dương ảm đạm, một thế giới vắng lặng, mênh mông. Toàn một màu chết : “màu bạc của ngàn lau, màu vàng của lá rụng, tiếng sương sa lác đác, tiếng mưa khóc không thôi”.

(Hoài Thanh, Văn chiêu hồnn của Nguyễn Du)

b) Trong Truyện Kiều, cái gì quy định sự thể hiện các nhân vật ? Cái gì làm cho sự miêu tả các nhân vật Thuý Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Đạm Tiên khác với các nhân vật như Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh ? Phải chăng một đằng đã bước sang chủ nghĩa hiện thực còn đằng kia chưa thoát khỏi trói buộc của mĩ học phong kiến ? Nhưng nếu như vậy, thì tại sao chỗ này thoát khỏi còn chỗ kia thì bó tay? Ở đấy có một quan niệm nghệ thuật gắn liền với hình thức mô tả đó. Kiều, Kim,... là loại người được mô tả như các “đấng”, “bậc" trong xã hội (“đấng anh hùng’, "đấng tài hoa”, “bậc tài danh”, bậc bố kinh’’,...). Mà là đấng, bậc thì không thể mô tả như những người phàm tục và phải tuân thủ theo các mẫu mực có sẵn. Còn bọn Tú, Mã, Sở,..thực tế là quân vô loài, mà là quân vô loài thì còn có quy tắc chuẩn mực nào ràng buộc được ? Mẩu mực duy nhất để miêu tả chúng là hiện thực, do tác giả quan sát, khái quát trực tiếp.

(Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều)

Trả lời:

Để làm được bài tập này, cần ôn lại các bài học về yêu cầu diễn đạt trong vãn nghị luận để có cơ sở phân tích :

- Nghệ thuật sử dụng từ ngữ ;

- Nghệ thuật sử dụng câu ;

- Nghệ thuật lập luận.

7. “Đạo đức giả là một thói xấu luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng”.

Từ ý kiến trên, anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình về sự nguy hại của thói đạo đức giả đối với con người và cuộc sống.

Trả lời:

- Giải thích thế nào là đạo đức giả :

+ Đạo đức giả là sự che đậy những gì vốn có bằng những giá trị không thật.

+ Những kẻ đạo đức giả là những kẻ luôn sống không thật với chính mình, che đậy bản chất thật sự của mình bằng một sự “hào nhoáng” hay còn gọi là lóp mặt nạ bên ngoài, tự hào sống với những gì không thật của bản thân.

- Những biểu hiện của thói đạo đức giả : Trong cuộc sống, thói đạo đức giả biểu hiện rất phong phú, đa dạng mà dễ thấy nhất là những biểu hiện qua sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động: nói một đằng, làm một nẻo.

- Những hậu quả của thói đạo đức giả :

+ Đạo đức giả trở thành một hiện tượng xấu có xu hướng lan rộng trong xã hội ta hiện nay, làm băng hoại những giá trị truyền thống, khiến con người trở nên giả dối với chính mình, với mọi người xung quanh.

+ Đạo đức giả tạo nên sự bất tín, mất niềm tin giữa con người và con người.

- Liên hệ bản thân : thái độ, hành động trước thói đạo đức giả (với vai trò là học sinh):

+ Sống thật với chính mình và với những gì mình có.

+ Học tập và lao động để tích luỹ những giá trị chân thật.

8. Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:

những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

 

Tây Ban Nha

hát nghêu ngao

bỗng kinh hoàng áo choàng bê bết đỏ

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du

 

tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

(Thanh Thảo, Đàn ghi ta cúa Lor-ca)

Trả lời:

Anh (chị) cần thể hiện được cảm nhận của mình về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích. Sau đây là một số gợi ý:

- Hình ảnh Lor-ca, con người tự do, nghệ sĩ cách tân trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật của Tây Ban Nha.

Nhà thơ Thanh Thảo đã từng viết : “Lor-ca là nhà thơ của những giấc mơ, của những linh cảm nhoi nhói; một nhà thơ có thể biến những giấc mơ thành nhịp điệu, có thể biến những linh cảm thành ngôn từ. Lor-ca siêu thực một cách tự nhiên và hiện thực một cách tự nhiên” (Lor-ca trong tôi). Vì thế, mở đầu bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca, Thanh Thao viết:

những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

Nói đến Tây Ban Nha, ngoài hình ảnh cây đàn ghi ta, còn có một hình ảnh nữa cũng rất đặc trưng cho đất nước nay. Đó là hình ảnh những dũng sĩ đấu bò tót với chiếc áo choàng đỏ rực rỡ, chói chang. Vì vậy, chỉ bằng mấy nét chấm phá, phần nào chịu ảnh hưởng của trường phái tượng trưng, siêu thực: một chiếc đàn ghi ta với những âm thanh “li-la li-la li-la”, một chiếc áo choàng đỏ, yên ngựa,... Thanh Thảo đã làm sống dậy, hiện lên trước mắt người đọc hình ảnh chàng thi sĩ Lor-ca, người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường chiến đấu cho tự do, cho khát vọng cách tân nghệ thuật giữa một nền khung cảnh mang đậm bản sắc văn hoá Tây Ban Nha. Những hình ảnh tương phản vừa giúp cho ta hình dung về Lor-ca, vừa gợi liên tưởng đến khung cảnh của đấu trường. Nhưng đây không phải là cuộc đấu giữa một đấu sĩ tài ba, kiêu dũng vói con bò tót hung dữ mà là cuộc đấu giữa khát vọng dân chủ của người nghệ sĩ - công dân yêu tự do Lor-ca với nền chính trị độc tài Phrãng-cô ; cuộc đấu giữa khát vọng cách tân nghệ thuật trong chàng thi sĩ Lor-ca với nền nghệ thuật bảo thủ, già nua. Trong cuộc quyết đấu đó, con người yêu tự do và nhà cách tân nghệ thuật Lor-ca thật đơn độc. “Li-la li-la li-la” - câu thơ toàn là âm thanh của tiếng đàn ngân vang gợi cho ta hình ảnh một dũng sĩ, một nghệ sĩ với tâm hồn và phong thái vô tư, phóng khoáng đang hát ca giữa đất trời Tây Ban Nha tươi đẹp, bao la. “Những tiếng đàn bọt nước” gợi cho người đọc liên tưởng đến những tiếng đàn trong trẻo, mát lành mà cũng mong manh dễ vỡ như bọt nước tròn phập phồng hiện ra rồi lại tan đi. Đối lập với nó là hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” - tượng trưng cho sự dữ dội, gợi liên tưởng đến tai hoạ, chết chóc. Trong tương quan đối lập ấy, số phận người nghệ sĩ Lor-ca thật mong manh. Chàng “đi lang thang về miền đơn độc - với vầng trăng chếnh choáng - trên yên ngựa mỏi mòn”. Phải chăng con đường về “miền đơn độc” mà Lor-ca đang đi cũng là miền lí tưởng của cuộc đời, của nghệ thuật, của cái đẹp ?

- Lor-ca bị sát hại và nỗi xót xa về sự dang dở của khát vọng cách tân.

Cái chết đã đến bất ngờ với Lor-ca. Con người thanh cao, trong sáng, rất yêu tự do và cái đẹp ấy đã luôn bị ám ảnh về cái chết của mình nhưng có lẽ vẫn không thể nghĩ nó lại đến một cách đột ngột, bất ngờ đến thế. Giây phút bi thương và thảm khốc nhất trong cuộc đời Lor-ca được Thanh Thảo diễn tả thật ngắn gọn và đầy ấn tượng. Lor-ca đang "hát nghêu ngao” một cách hồn nhiên và vô tư lự, ấy thế mà bỗng nhiên tai hoạ ập đến thật bi thảm : “áo choàng bê bết đỏ”. Bắt đầu từ đây, bài thơ đi sâu nói về cái chết bi thảm, đầy oan khuất của Lor-ca. Cảnh người nghệ sĩ bị hành hình được diễn tả bằng hình ảnh thực “áo choàng bê bết đỏ”. Sự kiện đau lòng ấy tạo thành cú sốc dây chuyền được diễn tả theo lối tượng trưng, liên tục chuyển đổi cảm giác qua hệ thống âm thanh vỡ oà thành màu sắc, hình khối, dòng máu chảy. “Tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy - tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan - tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy”. “Tiếng ghi ta nâu” gợi lên màu sắc của cây đàn vẫn vang lên những âm thanh ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người và của tình yêu. Đó còn là màu của suy nghĩ, của nỗi buồn day dứt, của đất đai quê hương xứ sở : “bầu trời cô gái ấy”. “Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy” là tiếng đàn của sự sống thanh bình, của ước mơ tình yêu bất diệt. “Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” là tiếng ghi ta tròn đầy, tuyệt vời nhưng cũng thật mong manh. Những âm thanh của “tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy” như những dòng máu tuôn chảy từ trái tim tử thương của Lor-ca, nó làm ta nhớ tới tiếng đàn vô cùng ai oán, đau thương của nàng Kiều : “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay” (Nguyễn Du - Truyện Kiều).

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

Câu thơ bị bẻ ra làm hai như tiếng đàn vỡ đôi, như sự sống đang độ căng tràn bất ngờ bị một lưỡi gươm bạo tàn chặt đứt đột ngột. Nó càng khiến người ta thêm đau xót trước cái chết bi thảm của nghệ sĩ thiên tài Lor-ca.

Sachbaitap.com

Xem lời giải SGK - Soạn văn 12 - Xem ngay

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.