Loigiaihay.com 2024

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Ông Đồ ngắn nhất Văn 7 tập 1 Cánh diều

Soạn bài Ông Đồ SGK Văn 7 tập 1 Cánh diều ngắn gọn nhất. Nội dung bài thơ được trình bày theo trình tự nào? Cách trình bày ấy có tác dụng gì?

Câu 1 (trang 48 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1) 

Bài thơ Ông đồ viết về ai và về việc gì? Ai là người bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ? Đó là cảm xúc, suy nghĩ gì?

Trả lời: 

- Bài thơ viết về ông đồ và sự ngày càng mai một của một nét đẹp văn hóa truyền thống “xin chữ Nho”. 

- Tác giả là người bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ.

- Đó là sự tiếc nuối, xót xa cho sự mất đi của một nét đẹp văn hóa truyền thống xưa của người Việt – truyền thống xin chữ Nho trong ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam. 

Câu 2 (trang 48 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1) 

Nội dung bài thơ được trình bày theo trình tự nào? Cách trình bày ấy có tác dụng gì?

Trả lời: 

- Nội dung bài thơ được trình bày theo trình tự thời gian.

- Cách trình bày như vậy có tác dụng thể hiện sự mai một, mất dần của một nét đẹp văn hóa truyền thống theo thời gian.

Câu 3 (trang 48 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1) 

Chỉ ra và phân tích sự khác nhau của hình ảnh ông đồ ở các khổ thơ 1, 2 so với các khổ thơ 3, 4. Sự khác nhau ấy nói lên điều gì?

Trả lời: 

- Hình ảnh ông đồ ở khổ 1 và 2: đó là hình ảnh về một con người đầy tài hoa với tài thư pháp, chữ Nho tuyệt đỉnh (Như phượng múa rồng bay) được mọi người ca ngợi (Tấm tắc ngợi khen tài). Mọi người đều chú ý, quan tâm đến tài năng của ông, đến xin chữ để treo ngày Tết.

- Hình ảnh ông đồ ở khổ 3 và 4: vẫn là con người tài hoa ấy, nhưng dường như mọi người không còn quan tâm đến sự tồn tại của ông. Ông vẫn ngồi đó, mọi người vẫn đi qua và chẳng ai xin chữ hay để ý đến.

→ Sự khác nhau ấy nói lên sự mờ nhạt dần của văn hóa truyền thống trong lòng mọi người. Ông đồ vẫn vậy, vẫn là người tài hoa đầy mình, chờ đợi mọi người. Nhưng những người đi qua lại thờ ơ, như thờ ơ với chính nét đẹp văn hóa truyền thống câu đối trong ngày Tết. Mọi thứ trở nên tấp nập và con người cũng dần quên đi những giá trị văn hóa đẹp đẽ đó.

Câu 4 (trang 48 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1) 

Trong bài thơ, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của những biện pháp đó.

Trả lời:

- Biện pháp tu từ: câu hỏi tu từ (Người thuê viết nay đâu?; Hồn ở đâu bây giờ), liệt kê (hoa đào, mực, giấy đỏ)

→ Tác dụng: như một lời tự vấn, thể hiện sự ngậm ngùi xót xa cho một thời huy hoàng đã qua, nay chỉ còn lại màu sắc phai nhạt. Qua đó, thể hiện sự nuối tiếc khôn nguôi.

Câu 5 (trang 48 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1) 

Nêu cảm nhận của em về các câu thơ sau:

- Giấy đỏ buồn không thắm;

  Mực đọng trong nghiên sầu...

- Lá vàng rơi trên giấy;

  Ngoài trời mưa bụi bay.

Theo em, những câu thơ đó tả cảnh hay tả tình? Vì sao?

Trả lời:

Những câu thơ trên vừa tả cảnh vừa tả tình. Cảnh ở đây chỉ giấy vốn đỏ, nhưng vì bỏ bê mà không thắm được. Nghiên mực cũng vậy, không được dùng để viết, mực cũng dần đông lại. Hay giấy cứ để đó, lá rơi xuống cũng chẳng được gạt đi, mưa bụi thì cứ bay bay. Đây là một khung cảnh đầy hữu tình. Ngay cả cảnh vật cùng nhuốm màu tâm trạng như Nguyễn Du từng nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”. Nỗi buồn từ lòng người đã thấm cả vào những vật vô tri. Từ giấy, đến nghiên mực mang nỗi buồn trĩu nặng lòng người. Qua đó thể hiện sự tiếc nuối, day dứt, thậm chí là khóc thầm của tác giả về một thời huy hoàng nay chỉ còn là vương vấn, lưu luyến. 

Câu 6 (trang 48 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1) 

Qua bài thơ Ông đồ, em hiểu gì về tục "xin chữ" mỗi dịp Tết đến, xuân về? Nếu vẽ minh họa cho bài thơ, em sẽ vẽ hình ảnh nào?

Trả lời: 

Em hiểu tục “xin chữ” mỗi dịp Tết đến là tập tục cho chữ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng nét chữ đẹp. Nên đến dịp Tết đến xuân về, họ xin chữ như xin một thứ phúc lộc may mắn đầu năm. Đây là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời thể hiện sự trọng chữ nghĩa, kiến thức và thể hiện mong muốn xin được chữ lấy may mắn, cầu cho một năm tài lộc và bình an. 

Sachbaitap.com 

Xem thêm tại đây: Bài 2. Thơ bốn chữ, năm chữ