Soạn bài Phong cách ngôn ngữ hành chính SBT Ngữ Văn 12 tập 2Câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 77, 78 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2 1. Bài tập 2, trang 172, SGK. Hãy nêu những đặc điểm tiêu biểu về cách trình bày văn bản, về từ ngữ, kiểu câu của vân bản hành chính (lược trích) sau đây:
QUYỂT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Về việc: Ban hành Chương trình Trung học cơ sở BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 - 3 - 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lí nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ; - [...] - Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, QUYẾT ĐỊNH Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Trung học cơ sở áp dụng thống nhất trong cả nước theo tiến độ quy định trong Chỉ thị số 14/2001 /CT-TTg ngày 11-6- 2001 của Thủ tướng Chính phủ. Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày kí. Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Điều 3. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Thủ trưởng các đơn vị hữu quan thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Trả lời: Những đặc điểm tiêu biểu của văn bản hành chính mà đề bài đã dẫn là: a) Về cách trình bày (kết cấu) văn bản : Văn bản được soạn thảo theo khuôn mẫu chung của văn bản hành chính. Toàn văn bản gồm ba phần : - Phần đầu : quốc hiệu, tiêu ngữ, tên cơ quan hoặc tổ chức ban hành, số hiệu văn bản, địa điểm và thời gian ban hành văn bản. - Phần chính : tên văn bản, người ban hành quyết định (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), các căn cứ ra quyết định, nội dung quyết định (ba điều), tính pháp lí của quyết định. - Phần cuối: nơi nhận quyết định, kí tên (Thứ trưởng kí thay). b) Về từ ngữ: Dùng nhiều từ ngữ hành chính : quyết định, ban hành, căn cứ, nghị định, Chính phủ, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, quản lí nhà nước, đề nghị, điều 1, 2, 3, luật áp dụng thống nhất, hiệu lực,... c) Về câu văn : Nội dung chính của văn bản có thể diễn đạt thành một câu dài, nhưng được ngắt ra và xuống dòng để thể hiện tính mạch lạc, tính pháp lí của văn bản. Ví dụ : Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ Nghị định [...] và theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông; quyết định điều 1,2,3... 2. Từ văn bản sau đây (theo Các văn bản pháp luật về đào tạo sau đại học), trong vai một phóng viên, anh (chị) hãy viết một tin ngắn theo phong cách ngôn ngữ báo chí để đưa tin về việc ban hành văn bản này.
LỆNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC Về việc công bố Luật
CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 ; - Căn cứ vào Điều 78 của Luật Tổ chức Quốc hội; - Căn cứ vào Điều 50 của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, NAY CÔNG BỐ: 1. Luật Giáo dục; 2. [..] 3. [...] Đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X thông qua ngày 2 tháng 12 năm 1998. CHỦ TỊCH NƯỚC (Đã kí) Trả lời: Văn bản Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Giáo dục là một văn bản hành chính, được ban hành theo thể thức của văn bản hành chính. Khi nhận được tin về sự kiện này, một phóng viên báo có thể viết một tin ngắn đưa tin về việc ban hành văn bản. Tin ngắn này thuộc thể loại bản tin theo phong cách ngôn ngữ báo chí: cần chú ý nội dung cụ thể và chính xác về thời gian, địa điểm, người kí lệnh, tên lệnh và tính chất pháp lí của Luật Giáo dục mà lệnh công bố (được Quốc hội thông qua). Chẳng hạn có thể viết như sau : CÔNG BỐ LUẬT GIÁO DỤC Ngày 11 tháng 12 năm 1998, tại Hà Nội, Chủ tịch nước đã kí Lệnh công bô Luật Giáo dục của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X thông qua ngày 2 tháng 12 năm 1998. 3. Hãy nêu đặc điểm của phong cách ngôn ngữ hành chính thể hiện qua văn bản ở bài tập 2. Trả lời: Những đặc điểm của văn bản hành chính được dẫn ở bài tập 2 : a) Về cách trình bày (kết cấu) văn bản : Văn bản gồm ba phần. - Phần đầu : quốc hiệu, tiêu ngữ, tên người ban hành văn bản (Chủ tịch nước), số văn bản, địa điểm và thời gian ban hành văn bản. - Phần chính: tên văn bản, người ban hành văn bản, các căn cứ ban hành, nội dung ban hành (Luật Giáo dục), tính pháp lí của văn bản. - Phần cuối: kí tên, ghi chức vụ của người kí. b) Về từ ngữ : Dùng nhiều từ ngữ hành chính : Lệnh, căn cứ, điều, hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật, công bố, Luật Giáo dục, Quốc hội, thông qua,... c) Về câu văn : Nội dung cơ bản của văn bản có thể trình bày trong một câu dài, nhưng ở văn bản nó đã được ngắt ra và xuống dòng để thể hiện tính mạch lạc và pháp lí. Ví dụ : Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam căn cứ vào các điều [...] công bố Luật Giáo dục, Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X thông qua ngày 2 tháng 12 năm 1998. 4. Hãy nhận xét về từ ngữ, câu văn và sự trình bày nội dung trong đoạn trích sau: Điều 85. Nhiệm vụ của người học Người học có những nhiệm vụ sau đây. (1) Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; (2) Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và nhân viên của nhà trường, cơ sở giáo dục khác, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước; (3) Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với lứa tuổi, sức khoẻ và năng lực; (4) Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, cơ sở giáo dục khác. (5) Góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, cơ sở giáo dục khác. (Luật Giáo dục, trong Tim hiểu Luật Giáo dục 2005, NXB Giáo dục, 2005) Trả lời: Đoạn trích từ văn bản Luật Giáo dục có những đặc điểm của văn bản hành chính như sau: a) Về cách trình bày : Cả đoạn là một điều mục trong Luật Giáo dục quy định nhiệm vụ của người học. Nó được trình bày thành điều mục đánh số 85 và có tiêu đề là Nhiệm vụ của người học. Cách trình bày như vậy có sự nhất quán với các điều mục khác trong cùng văn bản. Trong nội bộ Điều 85, mỗi nhiệm vụ cụ thể của người học lại được tách dòng và đánh số thứ tự. Đó là đặc điểm về cách trình bày văn bản của phong cách ngôn ngữ hành chính. b) Về từ ngữ : Dùng nhiều từ ngữ hành chính mang tính đơn nghĩa và sắc thái biểu cảm khách quan, trung hoà (nhiệm vụ, thực hiện, chương trình, kế hoạch, cơ sở giáo dục, nội quy, điều lệ, chấp hành, pháp luật, truyền thống, xã hội,...). c) Về câu văn : Cả đoạn có thể viết thành một câu văn dài, gồm nhiều thành phần, nhưng ở văn bản hành chính đã tách riêng từng nội dung, xuống dòng và đánh số để thể hiện tính minh xác. Ví dụ : Người học có những nhiệm vụ là thực hiện nhiệm vụ học tập,... tôn trọng nhà giáo, cán bộ và nhân viên,... tham gia lao động và hoạt động xã hội,... 5. Xác định các từ ngữ đặc trưng cho phong cách ngôn ngữ hành chính trong câu văn sau: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm kiếm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định này. (Nghị định số 34/2008 NĐ-CP ngày 25 - 3 - 2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lí người nước ngoài làm việc tại Việt Nam) Trả lời: Trong câu văn có nhiều từ ngữ đặc trưng cho văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính: - Tên gọi nhiều cơ quan hành chính : Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp. - Từ ngữ chỉ các văn bản hành chính: quy định, Bộ luật Lao động, Nghị định. - Từ ngữ chỉ hoạt động hành chính: kiểm tra, thanh tra, thực hiện, có trách nhiệm. Sachbaitap.com Xem lời giải SGK - Soạn văn 12 - Xem ngay >> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi. |