Soạn bài Quá trình văn học và phong cách văn học SBT Ngữ Văn 12 tập 1Giải câu 1, 2, 3,4 trang 119 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 1. Phân biệt các khái niệm : quá trình văn học, lịch sử văn học, trào lưu văn học, trường phái văn học, khuynh hướng văn học, phương pháp sáng tác. Trả lời: Lịch sử văn học là sự vận động của chính bản thân văn học (tác giả, tác phẩm, trào lưu, khuynh hướng) qua các thời kì lịch sử. Còn quá trình văn học là sự hình thành, tồn tại, thay đổi, biến chuyển của toàn bộ đời sống văn học (tác giả, tác phẩm, trào lưu, khuynh hướng, các tổ chức hội đoàn, các hoạt động nghiên cứu, phê bình, dịch thuật, xuất bản, phát hành, tiếp nhận văn học). Lịch sử văn học chỉ nghiên cứu quá khứ của vấn học, còn quá trình văn học chỉ sự vận động của văn học trong tổng thể ở quá khứ, hiện tại và cả dự báo về tương lai. Trào lưu văn học là một phong trào sáng tác tập hợp những tác giả, tác phẩm gần gũi nhau về cảm hứng, tư tưởng, nguyên tắc miêu tả hiện thực, tạo thành một dòng rộng lớn, có bề thế trong đời sống văn học của một dân tộc, hoặc của một thời đại. Một trào lưu văn học có thể có nhiều khuynh hướng hoặc trường phái văn học, đó là tập hợp những tác giả có những nguyên tắc tư tưởng - nghệ thuật noi theo sáng tác của một nhà văn vĩ đại (trào lưu văn học hiện thực có trường phái Ban-dắc, trường phái L. Tôn-xtôi,...) hoặc theo một đề tài, một tính chất nào đó (trào lưu văn học lãng mạn Việt Nam trước Cách mạng có trường thơ loạn, trường thơ đồng quê, lại có khuynh hướng siêu thực, khuynh hướng thoát li,...). Phương pháp sáng tác chỉ giới hạn trong phạm vi sáng tác, đó là hệ thống những nguyên tắc đặc trưng về kiểu phản ánh, loại nhân vật trung tâm, phương pháp điển hình hoá, biện pháp nghệ thuật tương ứng. Trào lưu văn học lớn, có nòng cốt là một phương pháp sáng tác tiêu biểu, được gọi là một chủ nghĩa trong văn học. 2. Bài tập 1, trang 183, SGK. Nhận xét văn tắt sự khác biệt về đặc trưng của văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán qua truyện Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ - Vũ Trọng Phụng) Trả lời: Nếu văn học lãng mạn thường lấy đề tài trong thế giới tưởng tượng của nhà văn, cố gắng xây dựng hình tượng nghệ thuật sao cho phù hợp với lí tưởng và ước mơ của nhà văn thì văn học hiện thực phê phán chú ý chọn đề tài trong cuộc sống hiện thực, chủ trương “nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại”, quan sát thực tế để sáng tạo các điển hình. Có thể thấy rõ sự khác biệt đó qua truyện Chữ người tử tù và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia: - Nguyễn Tuân hướng về quá khứ và tưởng tượng tình huống gặp gỡ đầy éo le, oái oăm giữa người tử tù Huấn Cao với viên quản ngục, tưởng tượng cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong đề lao. Vũ Trọng Phụng xoáy sâu vào hiện tại và ghi lại một cách chân thực những cái đồi bại, lố lăng, vô đạo đức của xã hội tư sản thành thị đương thời. - Nguyễn Tuân xây dựng hình tượng Huấn Cao phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ của ông về con người mang vẻ đẹp của tài hoa, thiên lương trong sáng, khí phách anh hùng, dũng cảm chống lại cường quyền bạo ngược. Vũ Trọng Phụng sáng tạo một loạt điển hình để bóc trần bộ mặt giả dối của những kẻ thượng lưu thành thị, để chôn vùi cả cái xã hội xấu xa, đen tối đó. 3. Xác định các tầng nghĩa của khái niệm phong cách. Chỉ ra nét đặc thù của khái niệm phong cách văn học (phong cách nghệ thuật). Trả lời: Theo nghĩa rộng, có thể nói đến phong cách dân tộc (mang tâm hồn, cốt cách một dân tộc) : phong cách Pháp, phong cách Nga, phong cách Việt Nam ; phong cách thời đại (mang tinh thần, cốt cách một thời đại) : phong cách cổ điển, phong cách hiện đại; phong cách cá nhân (bản sắc, cốt cách của một nhà hoạt động xã hội, một nhà chính trị, một nhà triết học, một nhà khoa học) : phong cách Các Mác, phong cách Hồ Chí Minh,... Trong lĩnh vực văn học, khái niệm phong cách chỉ tập hợp những đặc điểm, tính chất độc đáo của một hiện tượng văn học: phong cách của một trào lưu văn học (phong cách Phục hưng, phong cách lãng mạn, phong cách hiện thực) ; phong cách của một tác giả (phong cách Nguyễn Du, phong cách Hồ Xuân Hương, phong cách Nguyễn Đình Chiểu) ; phong cách của một tác phẩm (phong cách Truyện Kiều, phong cách Chiến tranh và hoà bình) ; phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (nét riêng biệt, độc đáo của ngôn từ trong một tác phẩm cụ thể),... Khái niệm phong cách văn học (phong cách nghệ thuật) chủ yếu được dùng để chỉ phong cách của một tác giả sáng tạo văn học. Đó là những nét riêng biệt, độc đáo của một tác giả trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống. Những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể. Nói cách khác, phong cách là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo. 4. Bài tập 2, trang 183, SGK. Nêu những nét chính của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân và Tố Hữu. Trả lời: Tham khảo đoạn văn sau : Phong cách thể hiện cá tính, tính cách, đặc điểm tài năng, tâm hồn, cách nghĩ, cách cảm của người nghệ sĩ, nghĩa là thể hiện cái phần vừa sâu xa, vừa “hồn nhiên” nhất của sự sáng tạo, cho nên một khi đã hình thành và được nhận biết, phong cách thường chứng tỏ khá bền vững, gần như "bất biến". Nhiều khi về mặt tư tưởng, về mặt phương pháp sáng tác, ở nhà văn đã có những thay đổi lớn, nhung những nét chủ yếu của phong cách vẫn giữ nguyên về cơ bản. Chẳng hạn như trường hợp của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Ớ cả hai giai đoạn sáng tác này, ta vẫn thấy ở Nguyễn Tuân tấm lòng quý trọng thiết tha đối với vẻ đẹp của đất nước quê hương thể hiện trong cảnh sắc thiên nhiên, cũng như trong truyền thống văn hoá và trong các tác phẩm văn học nghệ thuật dân tộc. Ông, cảm nhận và miêu tả sự vật vừa phóng khoáng, tinh tế vừa sắc cạnh, riết ráo, từ nhiều góc độ. Trong ngòi bút của ông, có sự kết hợp cách nhìn của một nghệ sĩ tài hoa, trữ tình và đầy cá tính với cách làm việc, cách tiếp cận của một nhà nghiên cứu rất mực nghiêm túc và một nhà văn hoá có tầm nhìn rộng rãi. Thông qua thể tuỳ bút, Nguyễn Tuân đã bộc lộ tài năng của mình một cách đầy đủ và thoải mái. Nhà văn vừa miêu tả, vừa kể chuyện, vừa hồi tưởng, vừa liên tưởng, vừa tựởng tượng. Những trang viết của ông chứa đựng sự chính xác của sự kiện, chiều sâu của hiểu biết, và sự phong phú, phóng khoáng của suy nghĩ. Những hình tượng đầy tính chất tạo hình gắn với một giọng văn trữ tình đặc biệt ấm áp. Giá trị, sức hấp dẫn những sáng tác của Nguyễn Tuân, vị trí của ông trong nền văn học hiện đại của ta một phận chính là do phong cách nổi bật, không lẫn vào đâu được của ông. Nói về phong cách của nhà thơ Tố Hữu, nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh sự nhạy cảm của ông trước những chuyển biến chính trị xã hội lớn của đất nước ; thiên hướng đề cao những mặt tươi sáng, những hình ảnh đẹp của cuộc sống và của cách mạng, cố vũ con người phấn đấu cho lí tưởng và sự nghiệp chung; việc sử dụng rộng rãi những yếu tố văn học dân gian, sức mạnh của tình cảm và nhạc điệu vốn quen thuộc với quần chúng trong tác phẩm để dễ dàng tạo được sự đồng cảm rộng rãi và lâu bền của họ. (Nguyễn Văn Hạnh - Huỳnh Như Phương, Lí luận văn học - vấn đề và suy nghĩ, NXB Giáo dục, 1998) Sachbaitap.com Xem lời giải SGK - Soạn văn 12 - Xem ngay >> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi. |