Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Quyết định khó khăn nhất Văn 12 Cánh Diều tập 1

Theo em, tại sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng việc thay đổi phương châm tác chiến là “ Quyết định khó khăn nhất”? Bài học sâu sắc đặt ra trong văn bản là gì? Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống hôm nay?

I. Chuẩn bị:

Câu hỏi 1: (trang 94 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Đọc trước văn bản Quyết định khó khăn nhất. Tìm hiểu thêm thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hồi kí Điện Biên Phủ- điểm hẹn lịch sử.

Lời giải:

-Tác giả

Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013), tên khai sinh là Võ Giáp, còn được gọi là tướng Giáp hoặc anh Văn. Quê ở làng An Xá, tổng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Ninh (nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình nhà nho.

Võ Nguyên Giáp là một nhà lãnh đạo quân sự và chính trị gia người Việt Nam. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một trong những thành viên sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chính phủ Việt Nam đánh giá là “người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, là chỉ huy trưởng của các chiến dịch trong Chiến tranh Đông Dương (1946 – 1954), Chiến tranh Việt Nam (1955 – 1975) và chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979)

Tháng 12 năm 1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Tháng 8 năm 1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Ủy ban Quân sự Bắc kì đồng thời là thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc

Năm 1951 – 1982 Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam.

1946 – 1980 Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ quốc phòng

1978 – 1992, là Phó thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

-Phong cách sáng tác

Phong cách sáng tác: xoay quanh thể loại hồi kí viết về đề tài trong chiến tranh và kháng chiến

Các tác phẩm nổi tiếng: Những chặng đường lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng…

Hồi kí Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử: Là hồi kì gồm 14 chương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Nguyễn Hữu Mai ghi lại. Năm 2004, tác phẩm được nữ nhà văn, nhà báo người Mỹ - Lady Borton dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.

II. Đọc - hiểu:

Câu hỏi 1: (trang 94 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Vì sao Đại tướng quyết định triệu tập Đảng ủy Mặt trận họp gấp?

Lời giải:

Đại tướng quyết định triệu tập Đảng ủy Mặt trận họp gấp vì muốn thay đổi phương án chiến đấu từ phương án "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc".

Câu hỏi 2: (trang 95 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Vì sao Đại tướng quyết định thay đổi phương châm tác chiến?

Lời giải:

Đại tướng quyết định thay đổi phương châm tác chiến vì:

- Địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố.

- Quyết định ra lệnh hoãn cuộc tiến công, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”.

Câu hỏi 3: (trang 97 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Chú ý nguyên tắc cao nhất trong đánh địch được Đại tướng nhấn mạnh.

Lời giải:

Nguyên tắc cao nhất trong đánh địch được Đại tướng nhấn mạnh: Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.

Câu hỏi 4: (trang 99 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Chú ý bài học sâu sắc về dân chủ nội bộ

Lời giải:

Bài học về sự vận dụng linh hoạt các phương án chiến lược nhằm phù hợp với sự thay đổi không ngừng từ phía địch. Hoạt động đều cần dựa trên cơ sở vững chắc và đi theo một nguyên tắc xuyên suốt.

III. Sau khi đọc:

Câu hỏi 1: (trang 99 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Văn bản kể lại sự kiện gì? “Quyết định khó khăn nhất” ở đây là gì? Ai là người kể lại?

Lời giải:

Văn bản kể lại sự kiện: 

-Phần 1: Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập Đảng ủy Mặt trận để chuyển phương án chiến đấu

-Phần 2: Sự thay đổi phương châm tác chiến và nguyên tắc cao nhất trong đánh địch được Đại tướng đề ra

-Phần 3: Bài học sâu sắc về dân chủ nội bộ.

“Quyết định khó khăn nhất” ở đây là việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.

Người kể lại câu chuyện là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những Đảng viên đầu tiên của Đảng cộng sản Đông Dương và hoạt động cách mạng từ năm 1925. 

Câu hỏi 2: (trang 99 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Dẫn ra một số câu văn cho thấy thái độ và suy nghĩ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hoàn cảnh phải đưa ra “ Quyết định khó khăn nhất”?

Lời giải:

Một số câu văn cho thấy thái độ và suy nghĩ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hoàn cảnh phải đưa ra “ Quyết định khó khăn nhất”:

- “Tôi nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc.”

- “ Phải họp ngay Đảng ủy Mặt trận… Suốt đêm, tôi chỉ mong trời chóng sáng”

- “ Tôi nghĩ đồng chí Vi sẽ không dễ dàng thuyết phục các chuyên gia đã cho rằng chỉ có “ đánh nhanh thắng nhanh” mới giành thắng lợi…”

- “ Tinh thần bộ đội rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở… Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng, quyết định là phải có cách đánh đúng”.

- Tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất: "Đánh chắc thắng…”

Câu hỏi 3: (trang 99 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Tính xác thực của hồi kí được thể hiện qua những yếu tố nào của văn bản 

Lời giải:

Tính xác thực của thể loại hồi kí được thể hiện qua những yếu tố trong văn bản:

- Người kể chính là trực tiếp trải qua sự kiện: Đây là hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến các sự kiện mà ông kể lại. Điều này tạo nên tính xác thực và độ tin cậy của văn bản.

- Chi tiết và sự thật: Văn bản cung cấp nhiều chi tiết cụ thể vè sự kiện như việc triệu tập Đảng ủy Mặt Trận, sự thay đổi phương châm tác chiến, và bài học về dân chủ nôi bộ. Những chi tiết này không chỉ làm cho câu chuyện trở nên sống động hơn, mà còn chứng minh rằng tác giả đã trực tiếp trải qua những sự kiện mà ông mô tả.

- Ngôn ngữ và cách diễn đạt: Ngôn ngữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn bản này rất chân thực và tự nhiên, phản ánh rõ ràng quan điểm và cảm xúc của ông. Điều này giúp tăng cường tính xác thực của văn bản.

- Ngữ cảnh lịch sử: Văn bản được viết trong một ngữ cảnh lịch sử cụ thể, đó là thời kì chiến tranh của Việt Nam. Sự hiểu biết về ngữ cảnh này giúp độc giả hiểu rõ hơn về sự kiện và những quyết định khó khăn mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải đưa ra.

Câu hỏi 4: (trang 99 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Hãy nhận xét thủ pháp trần thuật ở phần 2 của văn bản

Lời giải:

- Thủ pháp trần thuật được thể hiện qua việc tác giả lần lượt kể các sự kiện diễn ra. Ban đầu là cuộc gặp mặt với trưởng đoàn Cố vấn quân sự, sau đó là cuộc họp ở Sở chỉ huy với các đồng chí trong Đảng ủy và việc truyền tin thay đổi chiến lược xuống đại đoàn 308

- Thủ pháp trần thuật được kết hợp với tính phi hư cấu, các sự kiện được lồng ghép số liệu, ngày tháng cụ thể. Sự kết hợp này giúp câu chuyện trở nên chân thực và cung cấp thông tin cho ngưòi đọc hiểu rõ về sự kiện.

Câu hỏi 5: (trang 99 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Theo em, tại sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng việc thay đổi phương châm tác chiến là “ Quyết định khó khăn nhất”?

Lời giải:

Theo em, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng việc thay đổi phương châm tác chiến là “Quyết định khó khăn nhất” vì việc thay đổi chuyển từ phương châm đánh nhanh giải quyết sang đánh chắc tiến chắc ngay ở thời điểm then chốt khi giờ nổ súng đã cận kề có nghĩa là mọi công tác chuẩn bị chúng ta sẽ làm lại từ đầu.

- Trước đó, để mở 82 km đường và kéo pháo vào trận địa, là kết quả của mồ hôi xương máu của bộ đội, bao nhiêu tiền của của nhân dân đã nổ ra. Nếu thay đổi kết hoạch sẽ phải kéo pháo ra khỏi trận địa.

- Trận đánh đã phải lùi lại 5 ngày (từ ngày 20 lùi lại ngày 25 tháng 1 năm 1954) do việc kéo pháp vào trận địa gặp khó khăn, nay lại tiếp tục hoãn mà chưa ấn định được thời gian mở màn chiến dịch à Ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu của mọi người.

Ý nghĩa của trận đánh: trận Điện Biên Phủ là trận quyết chiến lược hình thành dần trong tính toán của cả hai phía Nam trong chiến dịch Đông – Xuân 1953 – 1954. Trước khi ra chiến dịch, Bác Hồ đã dặn Đại tướng rằng “trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh”.

Đây là quyết đinh đặc biệt khó khăn và có ý nghĩa tác động tới toàn bộ cuộc chiến nên Đại tướng cho rằng việc thay đổi phương châm tác chiến là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Cuối cùng, quyết định ấy đã tạo ra chiến thắng để kết thúc chín năm kháng Pháp, mở tra một trang sử mới cho Việt Nam và ghi dấu một dấu son chói lọi vào lịch sử quân sự thế giới. Bên cạnh đó, cũng thể hiện sự sáng suốt và tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tầm nhìn chiến lược sắc bén, dám quyết định và chịu trách nhiệm trước lịch sử của dân tộc để đưa ra quyết định đặc biệt quan trọng ấy. 

Câu hỏi 6: (trang 99 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)

Bài học sâu sắc đặt ra trong văn bản là gì? Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống hôm nay?

Lời giải:

Bài học sâu sắc đặt ra trong văn bản là về tầm quan trọng của dân chủ nội bộ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mô tả việc lắng nghe ý kiến của mọi người, thậm chí khi ông phải đưa ra quyết định khó khăn nhất, là một yếu tố quan trọng để đạt được thành công. 

Ý nghĩa với cuộc sống hôm nay:

- Trong công việc: Dân chủ nội bộ giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nơi mọi người cảm thấy được tôn trọng và giá trị của họ được công nhận. Điều này không chỉ tăng cường sự hài lòng trong công việc mà còn tăng cương hiệu suất và sáng tạo

- Trong gia đình: Việc lắng nghe và tôn trọng quan điểm của mọi thành viên trong gia đình giúp tạo ra một môi trường yêu thương và hòa thuận. Điều này giúp tăng cường mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau

- Trong xã hội: Dân chủ nội bộ là một tỏng những nguyên tắc cốt lõi của một xã hội dân chủ. Nó giúp đảm bảo rằng mọi người đều có quyền lực trong việc đưa ra quyết định liên quan đến cuộc sống của họ và cộng đồng.

Sachbaitap.com