Soạn văn lớp 12: Giá trị văn học và tiếp nhận văn họcSoạn văn lớp 12 tập 2: Giá trị văn học và tiếp nhận văn học. Câu 2: Mối quan hệ giữa các giá trị văn học Câu 1: Khái quát chung - Giá trị văn học là sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người, tác động sâu sắc tới con người và cuộc sống. - Những giá trị cơ bản: + Giá trị nhận thức. + Giá trị giáo dục. + Giá trị thẩm mĩ. a. Giá trị nhận thức Văn học phản ánh hiện thực theo nghĩa khám phá và lí giải hiện thực đời sống của con người ở nhiều thời gian và không gian khác nhau, trong mọi thời đại và xứ sở. Vì vậy văn học là một bức tranh rộng lớn, phong phú, đa dạng, đem lại cho người đọc những điều mới lạ mà họ chưa biết để họ hiểu thêm về cuộc sống và con người. Đó là giá trị nhận thức của văn học. Nhờ văn học, con người ngày nay có thể biết được cuộc sống của con người xa xưa; người ở phương Đông có thể hiểu được người ở phương Tây (và ngược lại); người ở xứ sở này có thể "làm quen" với người ở xứ sở khác trên trang sách... Văn học giúp cho con người nhận thức thế giới qua tác phẩm của các nhà văn một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc (Chiến tranh và hòa bình, Tam quốc chí,...). Cùng với quá trình nhận thức thế giới, là quá trình tự nhận thức mà văn học mang tới cho mỗi người. b. Giá trị giáo dục Từ giá trị nhận thức mà văn học có giá trị giáo dục. Nói cách khác, qua việc nhận thức những cuộc sống đẹp, những con người tốt mà nhà văn đã miêu tả bàng thái độ trân trọng, tình cảm ngợi ca, người đọc sẽ thấy được lẽ sống đẹp, biết yêu ghét đúng đắn, biết sống có ích cho mọi người và cho bản thân mình. Những hình tượng về cuộc sống và con người đẹp đó, tự nó đã có tác dụng giáo dục sâu sắc với người đọc. Và ngay cả khi văn học miêu tả cái xấu, cái ác, thì vẫn có tác dụng giáo dục tốt đến độc giả, nếu nhà văn có cái tâm trong sáng và thái độ phê phán đúng đắn. Có điều, cần thấy rằng đặc trưng giáo dục của văn học hoàn toàn khác với luật pháp hay những lời giáo huấn về đạo đức, bởi văn học giáo dục con người bằng cái thật, cái đúng, cái đẹp của hình tượng sinh động, đầy sức thuyết phục. c. Giá trị thẩm mĩ Giá trị nhận thức và giá trị giáo dục của văn học chỉ có thể phát huy một cách tích cực nhất, có hiệu quả cao nhất khi gắn với một giá trị tạo nên đặc trưng của văn học, đó là giá trị thẩm mĩ. Giá trị thẩm mĩ là khả năng của văn học có thể phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận được và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước những vẻ đẹp đó. Giá trị thẩm mĩ của văn học được thực hiện trong một phạm vi hết sức rộng lớn, phong phú, mang tới cho con người những vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời, của thiên nhiên và con người, từ những vẻ đẹp bình thường, nhỏ bé đến những vẻ đẹp lớn lao của dân tộc và nhân loại. Cái đẹp trong văn học là cái đẹp hài hòa giữa nội dung đẹp và hình thức đẹp. Chính vì thế, văn học cuốn hút, hấp dẫn người đọc bằng cái đẹp của nó và dùng cái đẹp đó để bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ cho người đọc, hướng họ tới những gì là cao thượng, tốt lành. Câu 2: Mối quan hệ giữa các giá trị văn học - Ba giá trị có mối quan hệ mật thiết, không tách rời, cũng tác động đến người đọc (khái niệm chân-thiện-mĩ của cha ông). - Giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức. Giá trị thẩm mĩ khiến cho giá trị nhận thức và giá trị giáo dục được phát huy. Không có nhận thức đúng đắn thì văn học không thể giáo dục được con người vì nhận thức không chỉ để nhận thức mà nhận thức là để hành động. Tuy nhiên, giá trị nhận thức là giáo trị giáo dục chỉ có thể phát huy một cách tích cực nhất, có hiệu quả cao nhất khi gắn với giá trị thẩm mĩ-giá trị tạo nên đặc trưng của văn học. Câu 3: Tiếp nhận văn học là sống với tác phẩm, rung động với nó, vừa đắm chìm trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm, vừa tỉnh táo lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp và tài nghệ của tác phẩm và tác giả. Tiếp nhận văn học còn là dùng tưởng tượng, kinh nghiệm sống và tâm hồn mình để hình dung hình tượng tác phẩm một cách sinh động. - Hai tính chất cơ bản: + Tính chất cá thể hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận. Các yếu tố thuộc về cá nhân có vai vai trò quan trọng: năng lực, thị hiếu, sở thích, lứa tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm sống, ... Tính khuynh hướng trong tư tưởng, tình cảm, trong thị hiếu thẩm mĩ làm cho sự tiếp nhận mang đậm nét cá nhân. Chính sự chủ động, tích cực của người tiếp nhận đã làm tăng thêm sức sống cho tác phẩm. + Tính đa dạng, không thống nhất: cảm thụ, đánh giá của công chúng về một tác phẩm rất khác nhau, thậm chí cùng một người ở nhiều thời điểm có nhiều khác nhau trong cảm thụ đánh giá. Nguyên nhân ở cả tác phẩm (nội dung phong phú, hình tượng phức tạp, ngôn ngữ đa nghĩa, ...) và người tiếp nhận (tuổi tác, kinh nghiệm, học vấn, tâm trạng, ...). Câu 4: Các cấp độ tiếp nhận văn học - Cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể muốn tìm xem toàn bộ câu chuyện tác giả muốn nói gì. - Cảm thụ qua nội dung trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm. - Cảm thụ chú ý đến cả nội dung và hình thức nghệ thuật, thấy được cả giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật. Đây là cách đọc sâu sắc nhất đòi hỏi người đọc không chỉ hiểu mà còn phải có năng lực cảm thụ văn chương. II LUYỆN TẬP Câu 1: - Đây chỉ là cách nói để nhấn mạnh giá trị giáo dục của văn chương, không có ý xem nhẹ các ý khác. - Cần đặt giá trị giáo dục trong mối quan hệ không thể tách rời với cá giá trị khác. Câu 2: Câu này các bạn tự chọn 1 tác phẩm và làm sáng tỏ các giá trị văn học. Câu 3: Đây là cách nói khác về các cấp độ khác nhau trong tiếp nhận văn học: cảm là cấp độ tiếp nhận cảm tính, hiểu là cấp độ tiếp nhận linh tính. Sachbaitap.com
>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.
Xem thêm tại đây:
Giá trị văn học và tiếp nhận văn học
|
Soạn văn lớp 12 tập 2: Tổng kết phần tiếng Việt: Lịch sử, đặc điểm loại hình và các phong cách ngôn ngữ