Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Nói và nghe Giới thiệu một tác phẩm truyện SGK Ngữ văn 11 tập 2 Cánh diều

Trình bày trước lớp về vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô trong văn bản Trái tim Đan-kô.

Câu hỏi (trang 28 SGK Ngữ Văn 11 tập 2):

Trình bày trước lớp về vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô trong văn bản Trái tim Đan-kô.

Phương pháp:

Dựa vào bài viết cụ thể.

Trả lời:

Bài kham khảo 1

Xin chào thầy/cô và các bạn, sau đây em xin trình bày vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô trong văn bản Trái tim Đan-kô.

Mác-xim Go-rơ-ki là nhà văn nổi tiếng đến từ Nga. Từ nhỏ ông là người rất đam mê đọc sách và cùng với những gian khó tuổi thơ đã thắp sáng và nảy sinh khát vọng sáng tác của ông. Truyện Trái tim Đan-kô là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông, được trích ở phần cuối “Tuyển tập truyện ngắn Mác-xim Go-rơ-ki”. Tác phẩm kể về sự hy sinh cao cả, tấm lòng vị tha yêu thương của người anh hùng Đan-kô.

Mở đầu là bức tranh thiên nhiên ở thảo nguyên u ám, với cảnh vật đáng sợ. Rồi lại có sự xuất hiện của ánh lửa xanh kỳ dị, gợi đến những câu chuyện hoang đường. Chính ánh lửa này xuất phát từ câu chuyện của một người anh hùng với trái tim vĩ đại và tràn đầy yêu thương. Một đoàn người trên thảo nguyên đang bị bủa vây trong bóng tối của khu rừng, cành lá thì dày đặc và ánh sáng mặt trời thì không chiếu đến. Họ không có con đường nào có thể thoát ra, ngày một tuyệt vọng và buông xuôi tất cả. Rừng tối mù mịt như bao đêm tối trên thế gian đều tụ lại dây, khiến cho cây cối mờ mờ ảo ảo hiện hình bao quỷ dữ. Trước cảnh tượng ấy ai mà không thương xót cho số phận của đoàn người. Bởi lẽ họ vô tội. Họ đang sống bình yên vui vẻ, không làm hại ai thì lại bị một bộ lạc khác đánh đuổi. Không chỉ phải chiến đấu với con người, mà họ còn phải chiến đấu với cả thiên nhiên. Chúng đã quật cho họ kiệt sức và tước đi ý chí của họ.

Nhưng một vị anh hùng, một chàng trai đã xuất hiện để cứu lấy cuộc sống của họ. Đan-kô đã tìm cách để dẫn dắt mọi người vượt qua khu rừng đáng sợ và tràn ngập bóng tối này. Nhưng khi đứng trước một khu rừng rậm rạp, con người mỗi lúc một kiệt sức thì con người lại lộ ra bộ mặt yếu hèn và nhút nhát của mình. Trước đó thì họ xin anh dẫn họ đi, bây giờ họ lại bắt đầu đổ lỗi cho Đan-kô. Họ mắng mỏ, họ bảo anh phải chết đi. Họ như bầy thú đã đến bước đường cùng. Người đọc cảm thấy vừa tức giận vừa thương hại những con người này. Có lẽ vì bất lực mà họ chẳng còn nghĩ đến ai ngoài mình ra. Thấy rất thương Đan-kô. Anh cũng chỉ muốn không thể để bộ lạc của mình phải trở thành những kẻ nô lệ cho kẻ thù. Vậy mà bây giờ họ lại kết tội anh, muốn anh phải chết.
Trái tim Đan-kô bỗng bùng lên niềm phẫn nộ sục sôi, nó cháy rực lên mạnh mẽ. Mặc dù Đan-kô rất phẫn nộ trước hành động ấy nhưng anh lại nhận ra rằng “Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất”. Một chàng trai có tấm lòng vị tha và yêu thương con người mặc cho bị đối xử tệ bạc nhưng vẫn quyết định cứu mọi người. Ý nghĩa muốn cứu mọi người quá mãnh liệt nhưng lại không được tin tưởng đến mức phải gào to lên như sấm.

Sau đó anh đã có một hành động xé toang lồng ngực của mình và giơ cao lên, giơ cao trái tim đang cháy sáng rực rỡ đẩy lùi tất cả đêm đen soi đường cho bộ lạc tiến lên. Đan-kô thật anh hùng, chàng đã cứu sống tất cả những người trong bộ lạc. Chàng vẫn đi trước, giơ cao trái tim dẫn đường, rừng cây dẫn ra trước bước chân Đan-kô. Nó như một điều gì đó thật cao quý, chói ngời. Và trong lòng người đọc cảm thấy vô cùng cảm phục, trân trọng con người này.

Rồi đoàn người cũng tìm ra được miền đất mới. Đó là một thảo nguyên tươi đẹp, giàu có. Tất cả đều vui mừng quên cả Đan-kô-vị cứu tinh của mình. Đan-kô kiêu hãnh ngắm nhìn thảo nguyên, mỉm cười sung sướng rồi anh gục xuống, tắt thở trong niềm tự hào. Anh chết nhưng trái tim kiêu hãnh của anh thì vẫn cứ cháy mãi. Nhưng rồi có ai nhớ đến sự hy sinh cao cả của anh? Họ vui sướng tràn đầy hy vọng vì được cứu sống rồi họ lại lập tức quên luôn người đã cứu mình. Đan-kô là hiện thân cho hình ảnh một con người xả thân cứu người mà không đòi hỏi được đền đáp. Go-rơ-ki đã dùng những từ ngữ chân thành và tốt đẹp nhất để ca ngợi, để trân trọng trước cái chết của Đan-kô. Đó còn là bức tranh gợi cho ta suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Phải chăng khi con người đứng trước những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống thì họ sẽ quên mất mình là ai, sống một cách ích kỷ và tham lam. Nhưng vẫn sẽ có những con người giống như Đan-kô xuất hiện. Đứng trước vực tối cuộc sống, vẫn giữ trong mình trái tim yêu thương, một lòng tốt chân thành mà không cần đền đáp.

Một bức tranh thiên nhiên, một sự đấu tranh sự sống của con người đã hiện lên thật đặc sắc trong tác phẩm Trái tim của Đan-kô của Go-rơ-ki. Câu chuyện khiến cho người đọc phải suy nghĩ về những giá trị sống và mối quan hệ giữa con người trong hiện thực thực cuộc sống.

Cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe, rất mong nhận được lời góp ý của mọi người để bài nói được hoàn thiện hơn. 

Bài kham khảo 2

Xin chào thầy cô và các bạn.

Thầy cô và các bạn thân mến! M. Go-rơ-ki là nhà văn Nga nổi tiếng với phong cách nghệ thuật độc đáo. Ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu trong đó có “Bà lão I-dec-ghin”. Trong phần kết của truyện, đoạn trích "Trái tim của Đan-kô" miêu tả vẻ đẹp phẩm chất của người anh hùng Đan-kô: đó là một con người dũng cảm, giàu lòng yêu thương, đầy tinh thần vị tha, sẵn sàng xả thân vì cộng đồng. Qua đó, tác giả hướng đến ca ngợi sức mạnh của tình yêu thương, khẳng định giá trị đích thực của cuộc sống chính là sống vì mọi người.

Đan-kô trước hết là một chàng trai can đảm. Khi bộ lạc của anh đang kiệt lực, chết dần chết mòn và mất hết ý chí, Đan-kô đã khuyên nhủ họ Cứ lo nghĩ làm chi cho hao tâm tổn sức? Anh cổ vũ họ Hãy đứng lên để tìm cách đi xuyên qua rừng sâu, vì theo anh: rừng cũng có chỗ kết thúc, mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc! Anh hô hào mọi người: Ta đi đi! Nào! Tiến bước!. Lòng can đảm của anh đã vực dậy cả đoàn người đang gần như tuyệt vọng, bởi họ nhìn thấy trong mắt anh ngời lên bao nhiêu sức mạnh và nhiệt tình sôi nổi. Lòng can đảm của Đan-kô còn thể hiện ở việc anh sẵn sàng làm người dẫn đường. Khi mọi người bảo: Anh dẫn chúng tôi đi!, anh đã dẫn họ đi. Phải hình dung được vượt qua rừng sâu và đầm lầy hiểm nguy như thế nào ta mới hết được sự can đảm và quyết đoán của Đan-kô. Anh đã tự gánh lấy một trách nhiệm vô cùng nặng nề.

Thứ hai, Đan-kô là một chàng trai giàu tình yêu thương, giàu lòng vị tha. Vì yêu thương bộ lạc của mình, muốn mọi người thoát khỏi hiểm nguy, chết chóc, có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, nên anh mới cổ vũ và tình nguyện dẫn mọi người vượt qua rừng sâu và đầm lầy đầy bóng tối. Vì yêu thương và giàu lòng vị tha, nên khi bị những người trong bộ lạc oán trách, muốn giết anh, dù trong lòng có bùng lên niềm phẫn nộ sục sôi, nhưng lòng thương hại mọi người đã dập tắt ngọn lửa uất giận ấy. Trong trái tim anh, mãnh liệt hơn hết vẫn là tình yêu thương: Anh yêu họ, anh lo lắng cho họ, vì nghĩ rằng nếu không có anh, có lẽ họ chết mất. Vì lòng yêu thương, anh chỉ có một mong mỏi cháy bỏng, thiết tha, đó là muốn cứu thoát họ, đưa họ lên con đường dễ dàng.

Bên cạnh đó, Đan-kô là còn là một chàng trai có tấm lòng hy sinh cao thượng. Vì sự sống còn của mọi người, anh đã tự xé toang lồng ngực mình, lấy trái tim cháy rực làm ngọn đuốc để soi đường, mở lối cho mọi người bước tới. Trái tim anh cháy rực sáng như Mặt Trời, sáng hơn Mặt Trời. Ánh sáng của trái tim đó chính là ánh sáng của lòng yêu thương vĩ đại đối với mọi người. Dưới ánh sáng vĩ đại đó, bóng tối tan tác và run lẩy bẩy, rừng giãn ra nhường lối, còn đoàn người thì ban đầu sửng sốt, đứng trơ ra như phỗng, sau đó Họ xông lên theo anh, sung sướng mê cuồng, Họ chạy nhanh và mạnh bạo, cảnh tượng kì diệu của trái tim cháy lôi cuốn họ. Bây giờ, dù cái chết có xảy đến họ cũng không còn than vãn và khóc lóc. Với ánh sáng kì diệu từ trái tim Đan-kô, cuối cùng, bộ lạc của anh đã đến được thảo nguyên bao la và tươi sáng. Khi đã dẫn được bộ lạc đến thảo nguyên, Đan-kô vẫn không hề nghĩ gì đến bản thân mình. Anh chỉ hòa chung niềm vui với mọi người vì đã đến được vùng đất mới: Chàng Đan-kô can trường và kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt, sung sướng nhìn khoảng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Anh mãn nguyện vì đã làm được điều tốt đẹp cho cho mọi người, dù sau đó anh phải trả giá bằng cả tính mạng: Rồi anh gục xuống và chết.

Hình ảnh trái tim Đan-kô mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Trái tim Đan-kô là biểu tượng của tình yêu thương lớn lao và cao cả. Chính tình yêu thương đó đã tạo nên sức mạnh để giúp con người chiến thắng bóng tối của khó khăn và thử thách, truyền cho họ niềm tin, động lực để vươn đến ngày mai tươi sáng. Hình ảnh trái tim vẫn cháy bừng bừng khi Đan-kô đã chết và hình ảnh trái tim tóe ra một loạt tia sáng trước khi tắt cùng với hình ảnh những tia lửa xanh trên thảo nguyên trước mỗi cơn dông cho thấy: dù cuộc đời con người là hữu hạn, nhưng tình yêu thương mà con người dành cho nhau sẽ có sức sống bất diệt, sẽ mãi mãi trường tồn.

Bàn về đặc sắc nghệ thuật trong xây dựng hình tượng nhân vật Đan-kô phải kể đến huống truyện kịch tính, đưa nhân vật vào tình thế phải lựa chọn rõ ràng, quyết liệt. Nghệ thuật trần thuật linh hoạt, sử dụng hai người kể chuyện, xen lẫn các đối thoại, bình luận... Miêu tả bối cảnh không gian sống động, thể hiện trí tưởng tượng phi thường của tác giả. Sử dụng nghệ thuật đối lập (đoàn người và Đan-kô, thiên nhiên và con người). Sử dụng chi tiết, hình ảnh mang tính biểu tượng sâu sắc: rừng rậm và đầm lầy, trái tim cháy sáng, thảo nguyên bao la…

 “Trái tim Đan-kô” là một truyện ngắn đặc sắc, trong đó, M. Gor-ki đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Đan-kô, một hình tượng nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, mang vẻ đẹp chói sáng, bất tử; khẳng định tài năng và phong cách lãng mạn độc đáo của Go-rơ-ki. Qua câu chuyện này, mỗi chúng ta đều phải tự nhắc nhở mình: phải biết sống yêu thương, cao thượng, vị tha, cống hiến…

Trên đây là phần trình bày của tôi về vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô trong văn bản Trái tim Đan-kô của Go-rơ-ki. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Hi vọng nhận được sự góp ý của tất cả mọi người.

 Sachbaitap.com

Xem thêm tại đây: Bài 5. Truyện ngắn
  • Soạn bài Tự đánh giá trang 29 SGK Ngữ Văn 11 tập 2 Cánh diều

    Soạn bài Tự đánh giá trang 29 SGK Ngữ Văn 11 tập 2 Cánh diều

    Thiên nhiên và con người ở “miền quê ngoại” như thế nào? Hãy ghi lại suy nghĩ và cảm nhận của em trong một đoạn văn (khoảng 8 -10 dòng). Em có nhận xét gì về sự kết nối giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật trong văn bản Nắng đẹp miền quê ngoại?

  • Soạn bài  Đây mùa thu tới SGK Ngữ Văn 11 tập 2 Cánh diều

    Soạn bài Đây mùa thu tới SGK Ngữ Văn 11 tập 2 Cánh diều

    Hãy nêu một yếu tố tượng trưng trong bài thơ và đưa ra lí do cho sự lựa chọn của em. Nêu và lí giải một số điểm khác nhau về nội dung và nghệ thuật giữa bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu với Thu hứng của Đỗ Phủ hoặc Thu điếu của Nguyễn Khuyến.

  • Soạn bài Sông Đáy SGK Ngữ Văn 11 tập 2 Cánh diều

    Soạn bài Sông Đáy SGK Ngữ Văn 11 tập 2 Cánh diều

    Hình ảnh sông Đáy hiện lên qua những mốc thời gian nào trong cuộc đời của nhân vật trữ tình? Các mốc thời gian được sắp xếp theo trình tự nào? Ý nghĩa của trình tự này là gì? Từ nội dung bài thơ và những hiểu biết về văn hóa dân tộc, hãy lí giải vì sao tình cảm gắn bó, yêu thương với quê hương của người Việt đặc biệt sâu nặng. Tình cảm này liệu có thay đổi trong đời sống hiện nay?

  • Soạn bài Thực hành đọc hiểu Đây thôn Vĩ Dạ SGK Ngữ Văn 11 tập 2 Cánh diều

    Soạn bài Thực hành đọc hiểu Đây thôn Vĩ Dạ SGK Ngữ Văn 11 tập 2 Cánh diều

    Hình ảnh con người ở bên lề của cuộc sống trong Đây thôn Vĩ Dạ đem lại cho em cảm xúc gì? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) trình bày cảm xúc đó của em.