Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trang 114 Ngữ Văn lớp 11 Kết nối tri thức tập 1

Nêu vấn đề chính được bàn luận trong bài viết và ý nghĩa của nó. Nhận xét về mức độ thuyết phục của các bằng chứng được người viết đưa ra. Xác định hệ thống luận điểm được triển khai trong bài viết.

* Phân tích bài viết tham khảo

Câu hỏi 1 (trang 118 SGK Ngữ Văn 11 Tập 1 - KNTT): Nêu vấn đề chính được bàn luận trong bài viết và ý nghĩa của nó.

Lời giải:

- Vấn đề chính được bàn luận trong bài viết là: bàn luận về vấn đề mà con người gặp phải trong xu thế toàn cầu hóa. 

- Ý nghĩa: giúp con người hiểu được những gì họ đang làm và ảnh hưởng của nó khi xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra, nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh. 

Câu hỏi 2 (trang 118 SGK Ngữ Văn 11 Tập 1 - KNTT): Xác định hệ thống luận điểm được triển khai trong bài viết.

Lời giải:

Luận điểm 1: Xem xét vấn đề từ nguồn gốc chung của loài người.

Luận điểm 2: Xem xét vấn đề từ thực tiễn lịch sử cận – hiện đại của thế giới. 

Luận điểm 3: Xem xét vấn đề từ mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc. 

Luận điểm 4: Xem xét vấn đề từ góc nhìn khác.

Luận điểm 5: Ứng xử thực tế cần có của mỗi người khi nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bàn luận.

Câu hỏi 3 (trang 118 SGK Ngữ Văn 11 Tập 1 - KNTT): Nhận xét về mức độ thuyết phục của các bằng chứng được người viết đưa ra.

Lời giải:

Xét về mức độ thuyết phục của các bằng chứng được người viết đưa ra, ta có thể khẳng định rằng những bằng chứng này đều hết sức thuyết phục và đủ để làm sáng tỏ luận điểm đang được nói đến. Bởi tác giả dã rất tài hoa khi sử dụng những dẫn chứng thực tế như những thành quả của sự phát triển khoa học công nghệ, hay những vấn đề luôn được mọi người yêu thích (bóng đá), rồi những vấn đề nổi trội về chính trị các nước… tất cả đều rất đúng và thiết thực bởi sự hiện hữu của nó vẫn đang diễn ra, chúng ta đều biết và nhìn thấy. Chính sự rõ ràng, cụ thể, thực tế và dễ hiểu ấy đã giúp cho việc làm sáng tỏ luận điểm chính của tác phẩm trở lên dễ dàng hơn bao giờ hết. 

* Thực hành viết

Câu hỏi 1 (trang 118 SGK Ngữ Văn 11 Tập 1 - KNTT): Tôn trọng sự khác biệt và Sự cần thiết của việc học ngoại ngữ.

Lời giải:

Bài tham khảo 1:

Ngay từ khi xuất hiện, ngôn ngữ đã rất đa dạng, sinh động. Mỗi quốc gia có một thứ tiếng riêng mà với tất cả tình yêu và tự hào, chúng ta trìu mến gọi “tiếng mẹ đẻ”. Nhưng liệu rằng, chỉ biết riêng tiếng nước mình như vậy có đủ? Bàn về vấn đề này, chúng ta đã nhận rõ được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ. 

Càng biết thêm nhiều ngoại ngữ, những đường biên giới càng nới rộng ra, thế giới càng rộng mở, chúng ta càng có khả năng giao tiếp với nhiều người, tiếp cận với nhiều cuốn sách chứa đựng những chân trời mới. Nhìn nhận ngôn ngữ đúng với vai trò của nó, ta mới thấy biết thêm một ngoại ngữ thực sự là biết thêm một thế giới.

Ngoại ngữ với vai trò giao tiếp, là con đường kết nối chúng ta và những người bạn trên toàn cầu, mà mỗi người bạn ấy sẽ là một người thầy dạy cho chúng ta những điều bổ ích. Còn gì tuyệt vời hơn nếu trong một buổi triển lãm tranh chúng ta có thể trao đổi cảm nhận của mình với một người Ý – một người con sinh ra và lớn lên trong cái nôi của hội họa Phục Hưng, để cùng sẻ chia cảm nhận cá nhân và cũng để có cái nhìn toàn diện hơn khi rung cảm nghệ thuật được soi chiếu bằng cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Cũng tương tự như vậy với mọi ngành nghệ thuật và khoa học khác.

Hơn thế nữa, ngoại ngữ giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp. Có thể bạn sẽ chỉ sống ở Việt Nam, không đặt mục tiêu làm việc hay du lịch đến một đất nước khác, nhưng bạn có chắc rằng sẽ không bao giờ gặp một du khách nước ngoài hỏi đường hay nhờ giới thiệu về danh thắng quê hương. Bạn tin chắc rằng, trong buổi tiệc chào mừng bạn mình là một du học sinh về nước sẽ không có một vị khách nước ngoài nào? Trong buổi tiệc của công ty sau này cũng chỉ toàn người Việt Nam? Những lúc ấy ta mới thấy, thế giới của bản thân nhỏ bé và hạn hẹp đến mức nào khi không có ngoại ngữ. Còn gì lạc lõng hơn việc cô đơn giữa một đám đông nói cười trao đổi bằng một ngôn ngữ chúng ta không thể hiểu ngay trên quê hương mình?

Hơn thế nữa, ngoại ngữ với vai trò là phương tiện của tư duy sẽ giúp chúng ta có thể tiếp thu với kho tàng tri thức của nhân loại. Đặc biệt là trong giai đoạn ngày nay, khi internet đã trở nên phổ biến và các công cụ tìm kiếm trên mạng ngày càng được mở rộng, hoàn thiện. Ta có thể dễ dàng tìm thấy các công trình nghiên cứu, các tài liệu khoa học về bất kì ngành nào mà mình quan tâm. Tuy nhiên, có một thực tế rằng phần lớn tài liệu này được viết bằng tiếng Anh – ngôn ngữ quốc tế hiện nay. Khi đó, nếu chúng ta sử dụng thành thạo tiếng Anh, thì chẳng phải chúng ta sẽ dễ dàng tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại hay sao. Tất nhiên, sẽ có người nói chúng ta có thể tìm đến người phiên dịch hoặc dựa vào các công cụ chuyển đổi ngôn ngữ. Nhưng tất nhiên, trong chúng ta ai cũng biết công cụ chuyển đổi ngôn ngữ được lập trình sẵn nên dịch theo kiểu đơn lẻ, từng từ một. Do đó, rất khó để hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của văn bản chúng ta cần. Nhờ người phiên dịch có thể sẽ dễ hiểu hơn, nhưng sẽ chẳng bao giờ bạn được khám phá vấn đề trực tiếp bằng cảm quan của mình mà luôn vay mượn góc nhìn, góc cảm nhận của người khác.

Trong xu thế toàn cầu hóa, mà biểu hiện rõ rệt nhất là sự hội nhập kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới đã tác động mạnh mẽ tới từng cá nhân trong mỗi quốc gia. Đó không chỉ là hợp tác về kinh tế, mà còn là sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, nên việc biết ngoại ngữ đang dần trở thành xu thế tất yếu và bắt buộc. Biết thêm một ngoại ngữ là biết thêm một thế giới, không chỉ là qua sự tìm hiểu trên sách báo của đất nước họ mà còn là tấm vé “thông quan” để chúng ta trực tiếp trải nghiệm đời sống, văn hóa của họ, tham gia lao động trong những công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có đối tác nước ngoài. Đó không chỉ là thế giới trên bản đồ địa lí mà còn là thế giới sống động trước mắt bạn và trong tinh thần của bạn.

Mặc dù có ý nghĩa to lớn như vậy nhưng thực trạng học ngoại ngữ của chúng ta hiện nay chưa mấy khả quan. Đại đa số học sinh học tiếng Anh suốt nhiều năm tại trường nhưng không thể sử dụng tiếng Anh với tư cách là một ngôn ngữ. Nhiều người chỉ có thể làm các bài tập về cấu trúc ngữ pháp mà không thể nói một câu ngoại ngữ đơn giản. Phần lớn mọi người cảm thấy mệt mỏi, chán nản khi học tiếng Anh và bỏ cuộc giữa chừng.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, có thể do phương pháp giáo dục tại các trường chỉ chú trọng đến cấu trúc ngữ pháp để vượt qua các kì kiểm tra. Do số lượng lớp đông nên dù đổi mới phương pháp thì cũng chỉ có thể phù hợp với một số học sinh chứ không phải tất cả. Và bản thân môn tiếng Anh hay bất kì ngôn ngữ nào khác cũng là một bộ môn khó. Nhất là đối với những trường ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, phương tiện học tập còn thiếu thốn.

Song nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do chúng ta chưa nhìn nhận vai trò quan trọng của ngoại ngữ một cách đúng mực. Mặc dù ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kì thi trung học phổ thông quốc gia, nhưng nhiều bạn còn học đối phó hoặc trì hoãn “để mai tính”. Đi kèm với nó là thái độ học sao nhãng, chưa kiên trì và khả năng tự học chưa cao. Sự e dè, ngần ngại giao tiếp cũng trở thành rào cản trong việc sử dụng ngoại ngữ. Lối suy nghĩ ỷ lại chỉ sống ở Việt Nam nên không cần biết ngoại ngữ đã ăn sâu vào rất nhiều người, khiến chúng ta quên mất rằng chỉ sống ở Việt Nam nhưng có thể sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện, một công cụ phục vụ chúng ta trong học tập, vui chơi và đời sống sau này. Rất nhiều người nhờ ngoại ngữ đã thay đổi cuộc sống, nhận học bổng từ các trường học danh tiếng, dễ dàng có một công việc cho bản thân, thỏa sức khám phá và trải nghiệm nền văn hóa khác, trở thành một công dân toàn cầu. Muốn hiện đại cần có giá trị truyền thống làm nền tảng nhưng không thể thiếu sự thúc đẩy của ngoại ngữ. Bởi vậy, giải pháp để cải thiện tình hình ngoại ngữ là điều cần thiết.

Mỗi chúng ta đều có ít nhất bảy năm học ngoại ngữ trên ghế nhà trường. Bởi vậy, sự cập nhật, đổi mới phương pháp giáo dục trong các nhà trường là giải pháp đầu tiên cần thực hiện. Các hoạt động ngoại khóa sẽ là sân chơi bổ ích và là nơi để mỗi học sinh giao lưu, học hỏi lẫn nhau và thực hành tiếng. Sự cách biệt giữa các vùng miền phải được rút ngắn bằng cách chú trọng đầu tư cho những vùng còn khó khăn. Và hơn hết, mỗi chúng ta cần tự ý thức về tác dụng to lớn của ngoại ngữ và thế giới mới mẻ, tươi đẹp mà ngoại ngữ mang lại để có ý thức trau dồi ngoại ngữ, kiên trì và cố gắng vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập. Năng động và mạnh dạn trong việc giao tiếp với người nước ngoài, đọc các bài nghiên cứu ngắn về lĩnh vực yêu thích, nghe nhạc và xem các bộ phim ý nghĩa bằng ngôn ngữ gốc. Sử dụng ngoại ngữ như một thế đối sánh để khắc sâu các đặc điểm của tiếng Việt, tiến tới sử dụng đúng, sử dụng hay tiếng nước mình và ngược lại.

Xã hội hiện đại đã khiến ngoại ngữ thành chiếc chìa khóa vạn năng mở ra hàng ngàn thế giới mới. Có nắm bắt chiếc chìa khóa ấy hãy cứ lần lữa, trì hoãn để cánh cửa mãi đóng chặt phụ thuộc vào suy nghĩ, quyết định và hành động của chúng ta ngày hôm nay.

Bài tham khảo 2:

Cuộc sống luôn đa dạng, muôn hình vạn trạng và thay đổi từng ngày. Con người cũng vậy, họ đều mang trong mình những vẻ đẹp riêng về hình dáng, phẩm chất và suy nghĩ. Vậy mà, trong xã hội, chúng ta vẫn luôn bắt gặp những người luôn nói xấu sau lưng, những câu nói chê bai về vẻ bề ngoài, tính cách, phong cách ăn mặc… của người khác. Điều đó thật không đúng và đáng bị phê phán, lẽ nào tôn trọng sự khác biệt của người khác lại khó đến như vậy?

Trước tiên ta cùng tìm hiểu, tôn trọng sự khác biệt là gì? Sự khác biệt ở đây có thể hiểu đó là tính cách, những nét riêng, đặc trưng của một người, sự vật nào đó mà khi ta chỉ cần nhắc về đặc điểm đó, ta sẽ hình dung ngay ra người đó là ai. Ngay cả con người cũng vậy, đều mang trong mình sự muôn hình vạn dạng. Tôn trọng sự khác biệt chính là sự tôn trọng lên những điều ấy. Như trong cuộc sống hàng ngày, ta luôn luôn bắt gặp sự khác biệt của mọi người so với cái quy luật chuẩn về đạo đức mà con người tự tạo ra cho mình. “Ôi! Cô này ăn mặc hở hang quá!... Cô này dễ tính quá…. Cô này xấu quá!...” Đó là những lời nói tưởng chừng như bình thường nhưng nó đều đang mang theo sự thiếu tôn trọng trong đó. 

Người biết tôn trọng sự khác biệt là người biết lắng nghe những quan điểm, chia sẻ góc nhìn của người khác một cách trân trọng và tỉ mỉ. Mặc dù đôi khi, chúng ta không đồng ý với quan điểm của họ nhưng cũng không nên vùi dập hoặc hạch sách suy nghĩ của họ. Ai cũng gọi là có cái lý của mình, không ai giống ai cả, nhưng chúng ta cần đặt mình vào suy nghĩ của người khác để thấu hiểu về sự khác biệt của họ hơn. Và từ đó, chắc chắn bạn sẽ rút ra được bài học và ngày càng hoàn thiện bản thân hơn. Như trong một giờ học, phát biểu của bạn mang theo kiến thức và quy luật thông thường như trong sách vở đã dạy, nó sẽ được mọi người công nhận. Nhưng bạn của bạn, bạn ấy có suy nghĩ khác và đưa ra cách giải quyết vấn đề khác với sách vở nhưng nó lại hết sức hợp lý và khá hay. Nhiều người trong lớp chắc hẳn sẽ thấy nó rất vô lý và bài trừ. Nhưng chúng ta phải nhớ một điều, sự sáng tạo là vô hạn và nó giúp cho bản thân con người ngày càng phát triển. Nếu nhìn nhận sự việc ở một góc độ khác bạn sẽ thấy phát biểu của bạn ấy hay và mình cần phải học hỏi sự sáng tạo ấy. Điều đó sẽ giúp ích rất lớn cho sự phát triển bản thân. 

Dù vậy, trong xã hội hiện đại, ta còn bắt gặp nhiều người không biết tôn trọng quan điểm và sự khác biệt của người khác, họ luôn cho mình là nhất, mình nói gì cũng đúng… và coi ý kiến của những người khác là sai lầm. Chúng ta không nên học theo những người như vậy mà cần phải nên án và phê phán hành vi đó của họ. 

Tôn trọng sự khác biệt luôn là một điều tốt và mọi người cần phải như vậy. Bởi chỉ khi mình tôn trọng sự khác biệt của người khác thì mới nhận được sự tôn trọng từ họ, đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống, cho đi để nhận lại. Là một học sinh, em tự nhận thấy bản thân mình cần phải biết tôn trọng, lắng nghe và học hỏi từ sự khác biệt của người khác. Bởi không ai sinh ra đã đúng, đã hoàn hảo, chúng ta chỉ có thể tự trau dồi bản thân mình mỗi ngày và không có tấm gương nào sáng và rõ bằng tấm gương từ những người xung quanh bạn. Toàn cầu đang hội nhập, chúng ta sẽ bắt gặp và giao thoa với nhiều nền văn hóa khác nhau, khi ấy, sự khác biệt sẽ ngày càng lớn và chúng ta phải biết chấp nhận, tôn trọng và học hỏi. Hãy hoàn thiện bản thân để có thể theo kịp và là làm một người công dân có ích cho xã hội.  

Sachbaitap.com