Loigiaihay.com 2024

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Lão Hạc SBT Ngữ văn 8 tập 1

Bình chọn:
3.6 trên 29 phiếu

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 32 SBT Ngữ văn 8 tập 1. Phân tích tình cảnh của lão Hạc. Tình cảnh ấy cho ta hiểu gì về số phận của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 ?

1. Phân tích tình cảnh của lão Hạc. Tình cảnh ấy cho ta hiểu gì về số phận của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 ?

Trả lời:

   Chú ý tình cảnh tội nghiệp, ngày càng túng quẫn của lão Hạc :

   - Nhà nghèo, vợ đã chết, chỉ còn đứa con trai. Tât cả tài sản của lão chỉ là mảnh vườn nhỏ.

   - Phẫn chí vì không có tiền cưới vợ, người con trai lại bỏ đi làm phu đồn điền cao su biền biệt, một năm nay chẳng có tin tức gì. Lão Hạc làm thuê để sống, còn tiền hoa lợi của mảnh vườn, lão dành dụm cho người con trai.

   - Sau một trận ốm lão không còn làm thuê được nữa, mà tiền dành dụm cũng hết. Rồi lại gặp trận bão hoa màu bị phá sạch, giá thóc gạo lên cao,... lão rất túng quẫn.

   - Dù không muốn, lão Hạc đành phải bán “cậu Vàng”, kỉ vật của anh con trai, người bạn tâm tình của lão vì lão không thể nào hằng ngày lo đủ gạo cho cả lão và con chó.

   - Từ đó, lão chỉ còn ăn khoai, củ chuối, sung luộc, rau má,... Tuy lão vẫn còn mảnh vườn và số tiền nhỏ dành dụm, nhưng lão quyết giữ cả lại cho đứa con sau này trở về (lão hi vọng thế)...

   - Cuối cùng, cảm thấy không còn có thể sống thêm được nữa, lão Hạc quyêt định tự tử bằng bả chó. Lão chết "cái chết thật là dữ dội”, đau đớn... Lão phải chết vì bị đẩy tới cùng, không còn đường sống. Ông lão nông dân suốt đời lao động cần cù, vất vả ấy đã không thể sống, kể cả sống trong nghèo khổ. Cuộc sống cùng khôn và cái chết bi thảm của lão Hạc cho thấy số phận thê thảm của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

2. Nhận xét của em về việc lão Hạc bán "cậu Vàng". Qua đó em thấy lão Hạc là con người như thế nào ?

Trả lời:

   Cần xuất phát từ tình cảnh cụ thể của lão Hạc lúc đó và nhât là từ bản chất con người của lão. Cụ thể là :

   - Vì sao đối với lão Hạc, việc bán đi con chó lại quan trọng đến thế ? Vì sao việc lão quyết định bán con chó lại khó khăn, lão phải tính toán, do dự nhiều đến thế ? Đối với lão, “cậu Vàng” có ý nghĩa như thế nào ?

   - Thái độ, tâm trạng của lão Hạc khi kể lại với “ông giáo” cảnh bán “cậu Vàng” như thế nào ?

   - Từ những phân tích trên, có thể nhận xét về con người lão Hạc. Đó là một ông già vô cùng nhân hậu - tình cảm đặc biệt của lão dành cho “cậu Vàng” cho thấy rõ bản chất nhân hậu cao quý đó. Lão kể lại việc bán “cậu Vàng” cho “ông giáo” với tâm trạng hết sức đau đớn : “lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Khi nhắc đến việc “cậu Vàng” bị lừa rồi bị bắt trói thì “lão hu hu khóc”. Lão không thể tha thứ cho mình việc đã đánh lừa một con chó trung thành : “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó !”. Phải là người có trái tim thật nhân hậu, thật trong sạch thì lương tâm mới bị giày vò đau đớn, mới cảm thấy có lỗi không thể tha thứ đối với một con chó như vậy.

3. Em hiểu thế nào về nguyên nhân cái chết của lão Hạc ? Em có suy nghĩ gì về con người lão qua việc lão quyết định tự tử (sau khi thu xếp nhờ cậy “ông giáo” một số việc) ?

Trả lời:

   Cần nắm được tình cảnh bi đát của lão Hạc (xem thêm gợi ý ở câu 1) và bản chất tính cách của lão khiến lão quyết định tự tử.

   - Lão Hạc rất nghèo, lại già yếu, ốm đau, không còn có thể làm thuê kiếm ăn được nửa. Tuý có mảnh vườn và dành dụm được món tiền nhỏ từ việc bòn vườn nhưng lão quyết dành lại cả cho đứa con trai đang ở xa, còn lão chỉ ăn khoai, củ chuối, sung,... cho qua bữa.

   - Trong tình thế ấy, lão quyết định tự tử, một quyết định âm thầm mà quyết liệt vì còn sống thì còn phải ăn, nhưng lão không còn có thể làm gì để kiếm ăn, trong khi lão kiên quyết không bán mảnh vườn, cũng quyết không đụng chạm tới số tiền nhỏ dành dụm được từ hoa lợi mảnh vườn đó, để dành trọn vẹn cho con khi nó trở về. Trước khi tự tử, lão đã cầu khẩn cậy nhờ “ông giáo” nhận đứng tên trông nom mảnh vườn để không còn ai tơ tưởng nhòm ngó, sau sẽ trao lại cho anh con trai... Vậy là lão Hạc quyết chết để bảo vệ mảnh vườn cho anh con trai mà lão tin sẽ trở về... Đó là sự hi sinh thật cảm động của một người cha.

   - Vì rất tự trọng, lão Hạc dù chết đói vẫn không chịu nhận bố thí dù của bất cứ ai. Khi đã quyết định tự tử, cũng với lòng tự trọng rất cao và nhân cách hết sức trong sạch, lão không muốn hàng xóm phải phiền lụy về cái xác già của mình, đã gửi ông giáo toàn bộ số tiền dành dụm bằng cách nhịn ăn để nhờ ông giáo đưa ra nói với hàng xóm lo giúp sau khi lão chết.

   Có thể nói, qua quyết định tự tử để rồi chết một cách đau đớn của lão Hạc, có thể thấy đó là một ông già nông dân nghèo có những phẩm chất cao đẹp : thương con tới mức hi sinh và lòng tự trọng hiếm có, thể hiện một ý thức nhân phẩm rất cao.

4. Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Lão Hạc. (Chú ý nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật.)

Trả lời:

   Cần thấy đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của nhà văn lớn Nam Cao. Tài nghệ bậc thầy của nhà văn thể hiện một cách toàn diện, ở đây chỉ nêu lên mây khía canh nổi bật nhất:

   - Đặc sắc của nghệ thuật kể chuyện (trần thuật) : Người kể chuyện là nhân vật “tôi” (ông giáo). Qua nhân vật “tôi”, tác giả có thể biểu lộ những cảm xúc, ý nghĩ của mình. Câu văn vì vậy thấm đậm chất trữ tình, giàu sức truyền cảm. Chú ý sự thể hiện chất trữ tình đó của tác phẩm trong giọng văn, qua những câu cảm thán, khi tác giả không nén được cảm xúc dâng trào, đã gọi nhân vật lên để nói chuyện "Lão Hạc ơi ! Hỡi ơi lão Hạc". Chât trữ tình còn thể hiện ở những lời tâm sự của nhân vật “tôi” , ở những suy nghĩ có tính châ't triết lí của tác giả : "Chao ôi ! Đôi với những người ở quanh ta...”. Những câu văn trữ tình triết lí đó làm cho tác phẩm có chiều sâu cảm xúc và chiều sâu tư tưởng đặc biệt.

   Cũng với cách dùng nhân vật “tôi” làm người kể chuyện, tác giả đã vào truyện, dẫn dắt câu chuyện một cách linh hoạt, thoải mái mà vẫn chặt chẽ, liền mạch. Chẳng hạn, mở đầu đi thẳng vào giữa truyện, rồi mới ngược thời gian kể về cảnh ngộ nhân vật, từ chuyện bán con chó sang chuyện anh con trai bổ đi phu... Cách dẫn dắt câu chuyện như thế là rất mới mẻ, tưởng như lỏng lẻo mà thật ra rất chặt chẽ, tập trung.

   - Đặc sắc trong xây dựng nhân vật : Nhân vật lão Hạc không hành động nhiều, nhưng đã gây ấn tượng thật sâu đậm trong lòng người đọc. Đáng chú ý là việc thể hiện tính cách nhân vật lão Hạc của tác giả không hề đơn giản, phiến diện. Bề ngoài, lão Hạc cồ chút gì như lẩm cẩm, gàn dở, thậm chí như trái tính, mà kì thực đó là một con người thánh thiện, hết sức cao quý, phải nhìn thấu mới thấy được. Chính tác giả (qua nhân vật “tôi”) đã nhận xét “cái bản tính tốt” của con người thường bị “che lấp mất”, phải cố tìm mà hiểu” những người nông dân nghèo khổ chung quanh để phát hiện ra “cái bản tính tốt” thường bị "che lấp” đó của họ. Cần chú ý phân tích những đoạn cho thấy những nét cao quý tiềm tàng trong tính cách lão Hạc. Chẳng hạn, đoạn lão kể cho ông giáo nghe về việc bắt con chó với giọng vô cùng đau đớn ; đoạn lão trình bày với ông giáo những việc lão sẽ nhờ cậy ông giáo trước khi tự tử...

   - Có thể nhận xét những điểm, những khía cạnh khác về nghệ thuật tác phẩm mà em thấy rất hay. cần chú ý : Lão Hạc thuộc loại truyện ngắn vừa giản dị, hấp dẫn, vừa rất sâu sắc, nhiều dư vị, đọc xong cứ vương vấn suy nghĩ không dứt. Đó chính là dấu hiệu của một tác phẩm có trình độ nghệ thuật cao.

5. Sau khi lão Hạc mất một thời gian, người con trai trở về làng. Ông giáo đã giạo lại cho anh ta ngôi nhà, mảnh vườn mà người bố tội nghiệp bấy lâu nhờ trông nom, gìn giữ và kể lại quãng đời lão Hạc từ khi anh phẫn chí bỏ làng đi. Em hãy viết một đoạn văn diễn tả tâm trạng của anh con trai lão Hạc ở thời điểm ấy.

Trả lời:

   Đây là bài tập rèn luyện trí tưởng tượng và năng lực cảm thụ văn học, nhằm phát huy tính chủ động của cá nhân. Có thể viết đoạn văn miêu tả tâm trạng anh con ữai lão Hạc lúc ấy từ hai góc độ :

   - Diễn tả tâm trạng ấy một cách khách quan (người viết ở vị trí người kể, miêu tả). Cách viết này có thể vừa diễn tả nội tâm, cảm xúc vừa miêu tả bộ dạng, hành động của nhân vật anh con trai lão Hạc.

   - Diễn tả bằng dòng độc thoại nội tâm của nhân vật (người viết nhập thân vào nhân vật anh con trai lão Hạc và đứng ra kể, tâm sự). Cách viết này dễ giàu cảm xúc, trữ tình.

Sachbaitap.com

Bài tiếp theo

Xem lời giải SGK - Soạn văn 8 - Xem ngay

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3 bước: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Bài viết liên quan